“Sức ỳ” từ tín dụng tiêu dùng
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Riêng 3 quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt được khoảng 6,9%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chung thời gian qua vẫn được đánh giá là chậm so với kỳ vọng khoảng 14% cho cả năm.
Trong đó, một trong những lý do tạo “sức ỳ” ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng chung nằm ở tín dụng tiêu dùng. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, đây cũng là mức tăng trưởng rất thấp trong 5 năm qua.
Vay tiêu dùng chiếm trên 21% tổng dư nợ nền kinh tếHiện nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của riêng khối các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. |
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng tăng mạnh thời gian qua. Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nợ xấu tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống hiện đã lên tới khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, tăng rất cao so với mức chỉ khoảng dưới 2% trong giai đoạn 2018 đến 2022.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính thậm chí có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Đứng trước những rủi ro quá lớn như trên, một số tổ chức tín dụng đã buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng để tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.
Những hệ luy liên quan
Mổ xẻ những nguyên nhân của tình trạng nợ xấu tiêu dùng bùng phát khiến tín dụng tiêu dùng “teo tóp” như thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng, một số yếu tố khách quan từ bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung, khiến khách hàng mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, thực tế còn có những yếu tố chủ quan chưa có chế tài xử lý tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ.
Hiện tại, việc cho vay tiêu dùng chủ yếu không có tài sản thế chấp, nên các tổ chức tín dụng theo đó không có các phương tiện để đòi nợ. Theo phản ánh của một đại diện ngành ngân hàng, thực tế có tình trạng người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ, hoặc nhắc nợ thì bị người vay chống đối, tố cáo, đe dọa... Hiện nay, trên mạng xã hội cũng tồn tại khá nhiều các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan, khiến cho các tổ chức tín dụng chùn tay không dám mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này.
Nợ xấu tiêu dùng bùng phát khiến tín dụng tiêu dùng “teo tóp”. Ảnh: TTXVN |
Tín dụng tiêu dùng không thể mở rộng một phần khiến cho hoạt động cho vay chung bị hạn chế, làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Đây là một trong 3 lĩnh vực quan trọng được coi là động lực tăng trưởng cần ưu tiên vốn tín dụng (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu). Theo đó, các tổ chức tín dụng dè dặt việc cho vay có thể làm hạn chế một phần đáng kể nhu cầu chính đáng của nhiều người. Thậm chí, tín dụng chính thức thu hẹp cũng còn là một trong những yếu tố tiềm tàng có thể làm gia tăng tín dụng đen.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TP Bank cho biết, nếu ví tín dụng đen như cỏ dại trong một khu vườn, thì một trong những giải pháp làm giảm cỏ dại chính là trồng các loại cây hữu ích trong vườn thì cỏ dại phần nào cũng bị lấn át.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện tại tình trạng khó khăn trong đòi nợ tín dụng tiêu dùng đang là một yêu cầu đặt ra cần xử lý. Một trong những vấn đề là đang tồn tại sự “nhập nhèm” giữa các công ty tài chính chính thức được NHNN cấp phép và một số công ty cũng là công ty tài chính, nhưng không phải các công ty được cấp phép hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Trong thời gian qua, nhiều “công ty tài chính” kiểu này cũng có những vi phạm về mặt trật tự xã hội, dẫn đến có những phản ứng tiêu cực từ phía người dân. Tuy nhiên, ngay cả các công ty tài chính chính thức cũng cần nhìn nhận lại các vấn đề trong tổ chức hoạt động, phải kiểm soát được hoạt động đòi nợ của công ty mình để tránh những hiểu lầm trong dư luận xã hội.
ÔNG BÙI ĐỨC TÀI - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT HÌNH SỰ (BỘ CÔNG AN): Hoạt động về cho vay và đòi nợ diễn biến phức tạpĐầu năm 2023, lợi dụng những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động về cho vay và đòi nợ có những diễn biến phức tạp. Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các app cho vay, công ty tài chính, ngân hàng sau đó gọi điện và có nhiều hình thức đe dọa, cưỡng đoạt tài sản. Trước tình hình như trên, một số yếu tố mà các tổ chức tài chính cần chú ý để khắc phục. Đó là những sơ hở, thiếu sót trong việc đăng ký, xác thực, quản lý hoạt động của các tài khoản ngân hàng dẫn đến tình trạng các đối tượng mua, thuê tài khoản để phục vụ các hoạt động vi phạm pháp luật. Thứ hai là thiếu sót trong quản lý hoạt động của các công ty trung gian thanh toán, các ví điện tử để các đối tượng móc nối, lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, một số vấn đề cần chú ý khác là quản lý hoạt động của các chi nhánh, bảo mật thông tin cá nhân của người vay… ÔNG NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TÀI CHÍNH HD SAISON: Gian lận từ khi làm hồ sơ vay khiến khó thu hồi nợTăng trưởng dư nợ tín dụng tiêu dùng chậm và nợ xấu lĩnh vực này tăng có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Về khách quan, khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng chủ yếu là cá nhân có thu nhập trung bình thấp. Thời gian vừa qua, khó khăn kinh tế khiến hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, làm suy giảm khả năng thanh toán của nhóm khách hàng là những người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên thực tế cũng có tình trạng nhiều người ngay từ khi vay tiền đã thiếu trung trung thực về thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay. Họ không hiểu rõ tầm quan trọng của việc thanh toán đúng hạn, đầy đủ và thậm chí có những suy nghĩ sai lệch và chủ đích gian lận khi làm hồ sơ vay. Bên cạnh đó, tình trạng rủ nhau “bùng nợ tập thể” đã trở thành trào lưu rất tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm "bùng" nợ. Đồng thời, pháp luật cần có chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung. Hoàng Long (ghi) |