Ngân hàng hoang mang về khái niệm “khả năng phục hồi” Tốc độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất không phụ thuộc vào room tín dụng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng báo cáo gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%

Chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo trước Quốc hội một số nhóm vấn đề đã được đại biểu thảo luận trong hai ngày nay.

Phải đánh đổi giữa các mục tiêu

Về điều hành lãi suất tín dụng và tỷ giá, Thống đốc cho biết, bối cảnh năm 2022 biến động rất lớn và khó khăn hơn nhiều so với dự kiến cuối năm 2021. Đến nay có đến 80 nước trên thế giới có mức lạm phát từ 2 con số trở lên. FED và ngân hàng trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất nhanh hơn dự kiến. Đặc biệt là đồng USD tăng mạnh làm cho các đồng tiền trên thế giới và khu vực mất giá rất mạnh, dự trữ ngoại hối các nước đều suy giảm mạnh.

Điều này khiến cho ngân hàng trung ương các nước đều rất khó khăn. Ở trong nước, diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán cũng tác động rất mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, đến tháng 10, thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động rất mạnh mà chủ yếu là do tác động bởi tâm lý kỳ vọng. Đặc biệt có những thông tin không đúng sự thật tác động tới hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như thị trường.

Phần lớn doanh nghiệp đủ điều kiện không quan tâm đến hỗ trợ lãi suất

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Về phía NHNN, Thống đốc cho biết trọng tâm, trọng điểm thời gian này là ổn định được hoạt động của hệ thống ngân hàng và sẵn sàng thanh khoản đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng. Đối với thị trường ngoại hối, NHNN chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. “Bởi vì nếu như ổn định lãi suất thì không thể nào góp phần kiểm soát được thị trường ngoại hối, mà thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Qua diễn biến thực tiễn điều hành, lãnh đạo NHNN cho rằng với nền kinh tế có độ mở lớn, chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biến động như vậy. “Trong ngắn hạn, khi lựa chọn thì đương nhiên là phải đánh đổi giữa các mục tiêu, ví dụ ổn định thị trường ngoại hối thì tỷ giá phải chấp nhận tăng cao. Khi lãi suất tăng cao thì có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất của doanh nghiệp, tăng trưởng của kinh tế chậm lại một chút, nhưng với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng thì sau khi ổn định ta sẽ có điều kiện để tăng tốc phát triển sau” - Thống đốc NHNN chia sẻ.

Còn hạn mức 44.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu

Việc nới room tín dụng cũng được đánh giá sẽ áp lực đối với thị trường tỷ giá và ngoại hối. Theo Thống đốc, “rất may là trước đây NHNN chưa tăng room tín dụng, bởi vì nếu khi đó tăng room tín dụng thì với sự kiện tháng 10 vừa qua thanh khoản sẽ rất khó khăn”.

Một vấn đề khác được Thống đốc trình bày là về tín dụng cho lĩnh vực xăng dầu. Sau khi Bộ Công thương có văn bản, NHNN tổng hợp nhanh số liệu từ các ngân hàng cho thấy, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng, dầu hiện nay là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ đồng. Hạn mức chưa sử dụng còn lại là 44.000 tỷ đồng. Đối với việc cung ứng ngoại tệ, NHNN vừa qua cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ kịp thời. Đơn cử như với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, lượng ngoại tệ bán ra cho các doanh nghiệp này phải tới 10 tỷ USD.

Cuối cùng, liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc cho biết thực tế thực hiện chương trình này đạt rất thấp. NHNN đã tổ chức các cuộc khảo sát liên ngành đến các địa phương. Trong đó, khảo sát tại một địa phương cho thấy trong số 183 khách hàng đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ có tới 126 khách hàng không quan tâm đến hỗ trợ lãi suất và 46 khách hàng chưa có phản hồi. “Đây là vấn đề cần phải quan tâm và trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp để đánh giá và có báo cáo tổng thể” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Doanh nghiệp đang thực sự khát vốn

Phát biểu trước đó trong phiên thảo luận chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) đã đề xuất các giải pháp để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

Theo đại biểu, khi chúng ta vẫn giữ được lạm phát rất thấp so với thế giới, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp đang thực sự khát vốn. Nhiều dự án bị đình trệ vì không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khó khăn sau 2 sự cố của FLC và Tân Hoàng Minh.

Nguyễn Mạnh Hùng
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng

Trong lúc chờ đợi sự phục hồi của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng NHNN sẽ nới room tín dụng từ 1 - 2% trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đại biểu cho rằng khả năng nới room tín dụng là rất khó khăn.

Do đó, đại biểu đề nghị tập trung 5 giải pháp, trong đó cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính và đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay.

Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các gói Nghị quyết 43 như đã nêu; sớm có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.