Những ngày đầu gian khó xây dựng nền tài chính Ngành Tài chính vinh dự được khai sinh đúng ngày đầu tiên thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Thực hiện chính sách tài chính lấy dân làm gốc từ những ngày đầu Dấu ấn Bộ trưởng Bộ Tài chính qua các thời kỳ

Chủ trương phát hành đồng tiền Việt Nam độc lập

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung thực hiện ngay sau cách mạng tháng 8/1945 là việc tự phát hành tiền, nhằm khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của chính quyền cách mạng.

Ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch lấy cớ giải giáp quân Nhật tràn vào, đem theo một khối lượng lớn tiền Quan kim, yêu cầu Chính phủ mỗi tháng đổi 3.000 triệu Quan kim lấy 4.500 triệu tiền Đông Dương để tiêu dùng. Trong khi đó, tiền tệ lưu dùng trong nước là Giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương đang ở trong tình trạng mất giá do ảnh hưởng bởi lạm phát.

Phát hành đồng tiền Việt Nam, khẳng định chủ quyền và xây dựng tài chính quốc gia
Phát hành đồng tiền Việt Nam, khẳng định chủ quyền và xây dựng tài chính quốc gia. Ảnh: TL.

Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cấp bách của chính quyền cách mạng non trẻ, ổn định nền tài chính cách mạng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Tài chính tổ chức in, phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Ngày 15/11/1945, Cơ quan Ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là tập trung in Giấy bạc Tài chính (đồng bạc Cụ Hồ) cho Chính quyền cách mạng và phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân.

Tháng 11/1945, để thực hiện chủ trương phát hành một đồng bạc độc lập, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời 4 họa sỹ nổi tiếng đương thời là Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến cùng các họa sỹ Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Khả chia ra làm nhiều nhóm để tham gia vẽ mẫu tiền Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Sau nhiều tháng làm việc miệt mài, các họa sỹ đã cho ra đời 4 mẫu giấy bạc: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng.

Ngày 31/1/1946, Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 18B/SL cho phép phát hành “đồng bạc Giấy Việt Nam” hay còn được gọi là “Giấy bạc Tài chính Việt Nam” đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở vào).

"Giấy bạc Cụ Hồ"

Giấy bạc Tài chính Việt Nam có một mặt in chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt in hình Nông - Công - Binh. Các loại giấy bạc đều có chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Cam-pu-chia chỉ mệnh giá, có ký tên Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến) và Giám đốc Ngân khố Trung ương. Do đó, ngoài tên gọi là Giấy bạc Tài chính Việt Nam, nhân dân còn gọi là “Giấy bạc Cụ Hồ”.

Nhằm đảm bảo việc lưu hành Giấy bạc Tài chính mới và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các ty ngân khố tại các địa phương chưa chính thức lưu hành được thu nhận tiền cũ để đổi Giấy bạc Tài chính Việt Nam khi nhân dân có nhu cầu với hối xuất 1 đồng Đông Dương = 1 đồng Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi tiền này cũng ít xảy ra vì Giấy bạc Tài chính Việt Nam đã lan dần ra Bắc Trung Bộ và được dân chúng lưu dùng ngay.

Cuối năm 1946, tình hình giữa Việt Nam và Pháp càng căng thẳng, nên ngày 3/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã biểu quyết cho lưu hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam trong địa bàn cả nước.

Do chưa in đủ số giấy bạc để thay thế hết tiền Đông Dương trên thị trường vì điều kiện thiếu thốn, khó khăn, phần vì sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, mong muốn kéo dài nền hòa bình cho đất nước, Chính phủ không muốn làm tổn hại đến quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Bởi vậy, thời kỳ này, đồng tiền Đông Dương vẫn lưu hành song song với tiền Việt Nam.

Chủ trương đúng đắn và sáng suốt

Công cuộc tổ chức in ấn bí mật, phát hành thành công Giấy bạc Tài chính Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ đầu sau khi giành độc lập.

Phát hành đồng tiền Việt Nam, khẳng định chủ quyền và xây dựng tài chính quốc gia
Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ. Ảnh: TL.

Không chỉ là thắng lợi to lớn trên mặt trận chính trị, giấy bạc Việt Nam còn là vũ khí sắc bén để đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính, góp phần quyết định trong việc đảm bảo cung cấp tài chính, hậu cần cho cuộc trường kỳ kháng chiến.

Đây là điểm tựa để Việt Nam dần thoát ra khỏi chính sách lũng đoạn kinh tế của thực dân Pháp, xây dựng nền tài chính - tiền tệ độc lập, tạo thêm lòng tin cho nhân dân đối với Đảng và Chính phủ. Giấy bạc Tài chính Việt Nam là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Việc này quan trọng không kém gì súng đạn, trực tiếp góp phần vào mỗi thắng lợi của kháng chiến.

Giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, Giấy bạc Việt Nam mới được phát hành trong cả nước trong khi tờ bạc Đông Dương vẫn đang tiếp tục được lưu hành. Vì vậy, Chính phủ chủ trương lưu hành hai đồng tiền song song để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa của nhân dân, mặt khác thu hút những hàng hóa cần thiết trong vùng địch tạm chiếm nhằm phục vụ cho nhu cầu kháng chiến và dân sinh.

Giai đoạn 1945 - 1946, hệ thống tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam chấp nhận sự hiện diện và giá trị của ít nhất 3 loại tiền: Đồng bạc Đông Dương của người Pháp, Quốc tệ và Quan kim của quân đội Tưởng Giới Thạch và Giấy bạc Việt Nam của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực dân Pháp đã lợi dụng tình hình đó hòng phá hoại nền kinh tế - tài chính, gây khó khăn cho kháng chiến. Trong khi đó, đồng tiền mất giá và nhu cầu chi tiêu nhiều hơn gấp bội so với giai đoạn trước, nên việc bảo vệ và củng cố giá trị đồng bạc Việt Nam là điều hết sức cần thiết và cấp bách lúc này.

Lưu hành hai đồng tiền song song

Chính phủ chủ trương lưu hành hai đồng tiền song song để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa của nhân dân, mặt khác thu hút những hàng hóa cần thiết trong vùng địch tạm chiếm nhằm phục vụ cho nhu cầu kháng chiến và dân sinh.