Chiều ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia và dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Hoàn thiện thể chế để tạo đà bứt phá
Phát biểu tại tổ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Kỳ họp này, Chính phủ trình cùng lúc việc sửa đổi nhiều luật trong đó có Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính và Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn lâu nay trên thực tiễn. Để từ đó, tạo đà bứt phá trong khai thác các nguồn lực. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực hoàn thiện thể chế để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của nền kinh tế theo các nghị quyết của Đảng.
![]() |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ chiều 29/10. |
“Chúng ta đang thực hiện hoàn thiện thể chế để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, để phục vụ cho quá trình đổi mới. Khi hoàn thiện được pháp luật thì chúng ta mới tập trung được xây dựng được cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh… Do đó, vấn đề hoàn thiện pháp luật cực kỳ quan trọng” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đối với việc sửa Luật Đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết đây là để tháo gỡ nút thắt lâu nay là “có tiền mà không tiêu được”, giải ngân đầu tư công thường rất chậm.
Theo Phó Thủ tướng, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công (trước năm 2014), việc đầu tư phát triển được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thường không có vướng mắc gì về giải ngân, chỉ lo không có tiền, chưa bao giờ phải đôn đốc giải ngân…
Đến khi có Luật Đầu tư công, các nguồn vốn được “gói” vào trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), kế hoạch hàng năm, từ đó mới chậm dần đi. Lúc này, đã xảy ra tình trạng “tiền chờ dự án”, dự án lại chờ tiền. Do đó, sửa luật lần này nhắm tháo thực tế này.
Khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định về việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài KHĐTCTH được phân bổ vốn theo pháp luật về ngân sách nhà nước,…; Bổ sung quy định về giao Chính phủ, UBND triển khai phân bổ đối với các khoản dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ, giao chi tiết; Sửa đổi quy định về việc sử dụng số tăng thu và số tiết kiệm chi để thực hiện các nhiệm vụ mới được bổ sung của dự thảo Luật này. |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng giải thích, Luật Đầu tư công hợp lý ở thời điểm đó, vì có tình trạng một số địa phương đầu tư vượt khả năng cho phép, không có tiền vẫn đầu tư. Luật Đầu tư công đã giải quyết tình trạng này, theo đó, đầu tư phải có kế hoạch, xác định rõ nhu cầu và khả năng cân đối. Mức đầu tư được cân đối với nguồn thu tương ứng để đảm bảo không “vỡ” kế hoạch. Theo đó, Luật Đầu tư công đưa ra Kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối với kế hoạch tài chính 5 năm. Do đó, các dự án có trong kế hoạch mới được thực hiện. Mặc dù vậy, khi áp dụng lâu dài đã gây ra một số ách tắc, do đó cần phải sửa để phù hợp với tiến trình phát triển.
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại tổ. |
Trên thực tế, trong quá trình điều hành, khi huy động được nguồn lực tăng thêm thì cũng được dành cho đầu tư phát triển. Do đó, việc sửa Luật lần này sẽ theo hướng vẫn xác định rõ vốn cho KHĐTCTH, còn trong quá trình điều hành, có các khoản tăng thu, các nguồn vốn khác, thì Chính phủ, HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện sẽ quyết định đầu tư vào các dự án cần thiết. Tất nhiên, việc đầu tư vẫn phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục đầu tư công. “Đây là việc phân cấp toàn diện, mở ra để huy động nguồn lực cho phát triển” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến việc nhiều ý kiến băn khoăn khi Quốc hội phê duyệt danh mục dự án mà Chính phủ lại điều chỉnh danh mục, Phó Thủ tướng cho rằng Quốc hội chỉ nên quyết định cơ cấu, còn lại giao lại cho địa phương. Đối với Chính phủ cũng nên giao lại cho địa phương thay vì phân bổ từng dự án.
Theo đó, Chính phủ chỉ quyết định những dự án do các bộ ngành làm chủ đầu tư hoặc các dự án liên tỉnh. Quốc hội chỉ quyết định những dự án thuộc thẩm quyền, quan trọng quốc gia. Khi cá thể hóa trách nhiệm như vậy, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhận định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết, cấp bách của Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính cũng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn các đại biểu ủng hộ thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để các luật sớm có hiệu lực. Từ đó, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải phóng và huy động tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, tạo đà bứt phá để chúng ta hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 5 năm mà Đại hội Đảng đã đề ra. |