kho

KBNN đang hướng dẫn mục tiêu tăng cường thu chi bằng chuyển khoản, giảm dần thu chi bằng tiền mặt và hướng tới không có giao dịch bằng tiền mặt. Ảnh: Thu Dung

Không đơn thuần là thu đúng, thu đủ

Với mục tiêu, đảm bảo an toàn kho quỹ không đơn thuần là thu đúng, thu đủ mà phải luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho “dòng tiền” lưu thông, KBNN đã ban hành các hệ thống văn bản đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ đến tất cả các đơn vị KBNN, từ lãnh đạo quản lý đến các cán bộ trực tiếp làm kho quỹ. Ngoài ra, một hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại gồm: Máy đếm tiền, đèn soi tiền, ô tô chuyên dùng để chuyên chở tiền và kho tàng kiên cố cũng được KBNN ưu tiên hàng đầu. KBNN còn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp quản lý, tăng cường sử dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ như: Ban hành tiêu thức quản lý nghiệp vụ kho quỹ; khung kiểm soát rủi ro đối với công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; khung kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kế toán ngân sách nhà nước (NSNN) áp dụng cho Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc),… đã giúp các đơn vị KBNN phát hiện và ngăn chặn các sai sót có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, KBNN đặc biệt chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động nội vụ, thiết lập đồng bộ hệ thống an toàn bảo mật thông tin trong hoạt động của hệ thống thông qua việc xây dựng, ban hành và thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách, quy định về an toàn bảo mật, triển khai các giải pháp đánh giá trong nội bộ về an ninh mạng… Nhờ vậy, với doanh số thu chi tiền mặt hàng năm của cả hệ thống lên tới gần 600.000 tỷ đồng, nhưng KBNN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước giao cho quản lý.

Lãnh đạo KBNN cho biết, có nhiều loại tiền giả chỉ cần bằng mắt thường hoặc tay sờ là có thể phát hiện ra, nhưng với những loại tiền có mệnh giá lớn thường được làm giả hết sức tinh vi, kể cả đèn soi tiền giả cũng khó có thể phát hiện ra. Tuy nhiên, các tờ tiền giả này lại không “thoát” khỏi bàn tay của các cán bộ kho quỹ có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Chính vì thế, công tác kho quỹ tại KBNN luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo KBNN, đức tính liêm khiết của các cán bộ mới là yếu tố quyết định thành công cho hoạt động kho quỹ. Trong cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, cán bộ kiểm ngân là đối tượng có ngạch bậc lương thấp so với các bộ phận nghiệp vụ khác tại kho bạc, lại đa phần là nữ trong độ tuổi nuôi con nhỏ nên sự khó khăn vất vả càng bội phần. Nhưng với lòng tự trọng nghề nghiệp, họ luôn giữ gìn phẩm chất, vượt qua cám dỗ để không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là những cán bộ liêm khiết, trung thực với những hành động cao đẹp trả lại tiền thừa cho khách hàng. Từ khi thành lập đến nay, toàn hệ thống KBNN đã trả lại hơn 530.000 món tiền thừa với số tiền lên đến hơn 160 tỷ đồng, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín của ngành, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Quản lý kho quỹ trước yêu cầu đổi mới

Trong Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020 có định hướng tăng cường thu chi bằng chuyển khoản, giảm dần thu chi bằng tiền mặt và tiến tới không có giao dịch bằng tiền mặt, cùng với đó là cải cách hành chính trong hoạt động nghiệp vụ kho quỹ.

Theo lãnh đạo KBNN, với bước “chuyển mình” này, trước hết KBNN cần phải tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Với giải pháp này sẽ có một bộ phận cán bộ kho quỹ bị dôi ra. Theo đó, lãnh đạo các cấp KBNN cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ này. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kho quỹ phải có lộ trình và bước đi thích hợp dựa trên tiêu thức phân loại, đánh giá cán bộ theo lứa tuổi và trình độ, đảm bảo vừa đáp ứng được yêu cầu công việc trước mắt cũng như lâu dài.
Mặt khác, cần phải hoàn thiện lại hệ thống văn bản, chế độ kho quỹ cho phù hợp với đặc điểm giai đoạn mới.

Bước tiếp theo, KBNN phải tăng cường công tác hiện đại hóa trong khâu thanh toán và phối hợp thu như: Thực hiện thanh toán song phương điện tử, phối hợp thu với cơ quan Thuế, Hải quan, Ngân hàng thương mại và hiện đại hóa hơn nữa chương trình TCS (Chương trình trao đổi thông tin thu, nộp NSNN). Với các bước đi này, lượng tiền mặt sẽ được giảm đáng kể trong hệ thống KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN phải thường xuyên thông tin kịp thời về tình hình tiền giả cũng như tội phạm lưu thông tiền giả trong phạm vi toàn quốc và từng địa bàn để các đơn vị KBNN có cách thức phòng ngừa phổ biến tới các cán bộ kho bạc nói chung và các cán bộ làm kiểm ngân nói riêng nắm bắt được để thực hiện công việc, kiên quyết không để tiền giả lọt vào kho quỹ.

Với đức tính liêm khiết, trung thực, các cán bộ KBNN đã có nhiều hành động đẹp khi trả lại tiền thừa cho khách hàng, với nhiều món có giá trị lớn. Đơn cử như chị Đỗ Thị Thu Hoa, cán bộ Tổ Kho quỹ, KBNN Hải Châu, Đà Nẵng đã trả lại khách hàng rất nhiều món tiền thừa, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, chị đã trả lại 217 món, tương ứng với số tiền 265 triệu đồng cho khách hàng. Anh Nguyễn Văn Trường, cán bộ thủ quỹ, KBNN Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã trả lại 13 món tiền thừa từ năm 2009 đến nay, tương ứng với số tiền trên 129 triệu đồng, đặc biệt ngày 25/3/2014 vừa qua, anh đã trả lại số tiền lớn lên đến trên 100 triệu đồng cho khách hàng.

Vân Hà