TP. Hồ Chí Minh: Phát triển mô hình kinh tế đêm, giải pháp căn cơ giữ chân du khách Bình Định xây dựng công viên sát biển 300 tỷ đồng để phát triển kinh tế đêm |
Cơ hội phát triển từ kinh tế đêm
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu phấn đấu thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu này, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa dịch vụ, trải nghiệm đang được tỉnh quan tâm triển khai.
Điển hình như, các dịch vụ tàu nhà hàng và du thuyền khám phá là những sản phẩm du lịch mới, đã được UBND tỉnh cho phép tổ chức hoạt động trên Vịnh Hạ Long, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều cách làm như tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật trên tàu kết hợp ngắm cảnh đêm, thưởng thức ẩm thực đã tạo sức hút tương đối lớn với du khách.
Nhiều buổi biểu diễn âm nhạc về đêm đã hấp dẫn du khách. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh tháng 8/2024 ước đạt 1.795.000 lượt khách, lũy kế 8 tháng đạt 14.724.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 8 ước đạt 5.026 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ước đạt 34.338 tỷ đồng. Tổng khách quốc tế tháng 8/2024 ước đạt 200.000 lượt (đạt 118% cùng kỳ 2023). |
Như tại TP. Hạ Long, năm 2023, thành phố đón 8,55 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 18.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của khách khi đến Hạ Long còn ngắn.
Nhiều sản phẩm dịch vụ về vui chơi, giải trí, mua sắm thiếu sự hấp dẫn, độc đáo, chưa có điểm nhấn cần được chỉnh sửa và bổ sung thêm.
Vì vậy, TP Hạ Long đang xây dựng Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024-2025. Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định: Đề án phát triển kinh tế ban đêm nhằm nâng tầm du lịch, dịch vụ của thành phố, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trên địa bàn thành phố trong tương lai. UBND thành phố cần cập nhật, đánh giá kỹ tiềm năng lợi thế của thành phố trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; xác định rõ các loại hình kinh tế đêm cả trên bờ và trên biển để có định hướng phát triển và xây dựng các sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, Hạ Long cũng nghiên cứu phát triển tại các khu di tích, sân golf, xây dựng phương án phát triển kinh tế đêm tại các xã khu vực phía Bắc của thành phố; kiến tạo các trung tâm mua sắm, chú ý đến sản phẩm đặc trưng vùng miền. Trên Vịnh Hạ Long, cần nghiên cứu tổ chức các sự kiện âm nhạc, tiệc đêm trên tàu; xây dựng các tour, tuyến du lịch thăm làng chài, khu nuôi trồng thủy sản, khu nuôi cấy ngọc trai vào ban đêm; dịch vụ câu cá, câu mực đêm…
Hiện nay, TP Hạ Long cũng đang đề nghị tỉnh chỉ đạo quy hoạch khu vực tàu nghỉ đêm, khu vực neo đậu ven bờ vịnh dọc tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, tạo cảnh quan trên bến dưới thuyền hấp dẫn du khách, phục vụ phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.
Nhiều sản phẩm mới sắp được triển khai
Vào cuối tháng 6 vừa qua, tuyến phố thương mại theo mô hình chợ đêm giải trí bên biển - VuiFest Hạ Long tại phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh) đã chính thức đi vào hoạt động. Tuyến phố có gần 100 lều bạt và 40 gian ki-ốt kinh doanh đã mang đến cho du khách những không gian giao lưu văn hóa ẩm thực, mua sắm, trải nghiệm trò chơi hấp dẫn, độc đáo. Việc phát triển tuyến phố thương mại VuiFest Hạ Long trở thành sản phẩm du lịch đêm theo mô hình chợ đêm ven biển nổi tiếng là bước đi quan trọng trong chiến lược du lịch của địa phương, góp phần thu hút du khách đến với vịnh kỳ quan suốt 4 mùa.
Ngoài TP Hạ Long, các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng nhiều không gian giải trí về đêm mới vừa nhằm thu hút khách du lịch, vừa quảng bá văn hóa truyền thống, như: Phố đi bộ Trần Phú (TP Móng Cái), phố đi bộ Tiên Yên (huyện Tiên Yên), phố đi bộ Minh Châu (huyện Vân Đồn)...
Các phố đi bộ hoạt động từ 18-24h vào các ngày cuối tuần với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố đặc sắc, như: Biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... phục vụ nhân dân, du khách.
Tuyến phố chợ đêm Vui Phết – VuiFest Ha Long được tổ chức bên bờ biển Bãi Cháy, TP Hạ Long, dài khoảng 1 km, chính thức hoạt động từ ngày 29/6. Ảnh: Tiến Dũng. |
Trong năm 2024, nhiều sản phẩm du lịch mới ở các địa phương dự kiến đưa vào khai thác, trong đó có những sản phẩm gắn với dịch vụ đêm, như: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng (ẩm thực, trải nghiệm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật); tổ hợp vui chơi, giải trí Kim Cương tại Tuần Châu (vui chơi giải trí, ẩm thực, tắm biển); du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ trên Vịnh Hạ Long…
Tuy nhiên, để các sản phẩm này sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân, du khách, các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các thủ tục, hướng dẫn, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Việc khai thác, đưa vào kinh doanh nhiều hoạt động kinh tế đêm thời gian qua tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã cho thấy được “sức hút” đối với du khách, góp phần làm gia tăng đáng kể lượng khách đến với Quảng Ninh.
Các hoạt động du lịch đêm không chỉ mang lại trải nghiệm đa dạng cho du khách mà còn giúp tối ưu hóa hạ tầng du lịch, tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách tại điểm đến, từ đó góp phần tăng doanh thu du lịch cho địa phương. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện đôn đốc doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh vào khai thác thêm các mô hình kinh tế đêm trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn và gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Quảng Ninh./.
Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 9/2023 với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. |