Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bình Liêu là một huyện vùng cao, biên giới, nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, có 42,999 km đường biên giới giáp với khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành và huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc có diện tích 473,5km2, dân số trên 3 vạn người.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay, với sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc, sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, diện mạo của huyện đã có sự thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

l
Hải quan và biên phòng Bình Liêu phối hợp kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu. Ảnh: HP

Kinh tế có bước tăng trưởng đáng kể, nhiều sản phẩm có thế mạnh đã được xây dựng thành thương hiệu hàng hóa như đặc sản miến dong, dầu sở và mật ong... tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt hơn 10 nghìn tấn, tăng 3,3 lần so với năm 1986.

Nếu như trước đây, hàng năm huyện đều phải thực hiện trợ cấp cứu đói giáp hạt cho các hộ vùng cao, từ năm 1995 đến nay đồng bào các dân tộc đã có cuộc sống ấm no; thu nhập của người dân ngày càng cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, gần 100% số hộ được xem truyền hình (năm 1986 chưa có); thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,5 triệu đồng; 100% thôn, bản, khu phố với trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Hệ thống giao thông của huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; các tuyến giao thông trên địa bàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Huyện Bình Liêu đang tích cực vươn lên, đổi mới trên mọi lĩnh vực và thu được kết quả toàn diện: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân đạt 11,78%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,5 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm tăng 58,41% so với nhiệm kỳ trước, tốc độ tăng bình quân đạt 19,44 %/năm.

Công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện trong quý 1/2016 đạt hơn 33 tỷ đồng (trong đó thu nội địa hơn 17 tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán và 180,8% so với cùng kỳ năm 2015; thu thuế xuất nhập khẩu là hơn 15 tỷ đồng, bằng 17,4% dự toán và 95,2% so với cùng kỳ).

Nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của huyện như: Quốc lộ 18C, Chợ Trung tâm huyện, đường Hoành Mô - Đồng Văn, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa các thôn, bản, khu phố...

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển, từng bước thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá. Đến nay, đã có 13 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 48,14%, tăng 3,25 lần so với năm 2010.

s
Mùa hoa sở thu hút rất nhiều du khách đến với Bình Liêu. Ảnh: HK

Công tác y tế, dân số được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 6,5%/năm.

Ông Trần Văn Thanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho biết thêm: Công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn luôn được đơn vị chú trọng củng cố, tình hình an ninh chính trị, an ninh vùng nông thôn, an ninh vùng dân tộc ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân đã diễn ra nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chúc tết giữa hai bên là huyện Bình Liêu (Việt Nam) và khu Phòng Thành (Trung Quốc); cấp xã, thôn biên giới cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà chúc tết lẫn nhau.

Hai bên luôn mở rộng các quan hệ đối ngoại, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, duy trì theo hướng hợp tác và phát triển.

Có thể thấy, những năm gần đây Bình Liêu đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều tiêu chí nổi bật; đây là thành tích rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu, góp phần đắc lực vào sự phát triển chung kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu Đặng Bá Bắc, trong thời gian tới huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là việc kêu gọi, thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về kinh tế nông lâm nghiệp, kinh tế biên mậu để giải quyết việc làm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy vai trò động lực của Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn; tiềm năng, lợi thế sẵn có, phấn đấu xây dựng huyện Bình Liêu trở thành địa phương dịch vụ nông, lâm nghiệp gắn với du lịch, thương mại vào năm 2020./.

Lan Hương