Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái.

Hải quan Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Huy Khánh

“Nóng” cả đường bộ lẫn đường thủy

Trong chuyến công tác vừa qua, có mặt tại huyện miền núi Bình Liêu, Quảng Ninh, tôi không khỏi lạnh sống lưng chứng kiến những đối tượng cửu vạn mang vác hàng lậu thuê, chở hàng cồng kềnh, phóng như bay qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu. Theo tay anh bạn đồng nghiệp chỉ lên phía dãy núi xa, tôi thấy nhấp nhô những tấm lưng gùi hàng trên con đường cũng nhỏ như sợi chỉ vắt qua vách núi.

Phần lớn cửu vạn người bản địa, trình độ học vấn thấp lại không có công việc, thu nhập ổn định nên mang vác hàng lậu thuê vẫn được họ chọn lựa để mưu sinh. Chính vì vậy, các đầu nậu lợi dụng địa hình đường biên sát dân cư có nhiều đường mòn, lối mở để thuê cửu vạn, xe ôm vận chuyển hàng thuê...

Hàng nhập lậu chủ yếu là ma túy tổng hợp, vũ khí, pháo nổ, thuốc lá điếu, rượu ngoại, hoa quả, gia cầm, thủy hải sản… Hàng xuất lậu thường là động, thực vật hoang dã… Ngoài những thủ đoạn thông thường, các đối tượng còn lợi dụng sự thông thoáng trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử để kê khai sai tên, xuất xứ, chủng loại, số lượng, mã số hàng hóa… để gian lận thuế.

Đối tượng tiếp tay cho các đầu nậu phân tán hàng lậu thường là các lái xe, phụ xe khách tuyến đường dài. Những hàng hóa có giá trị cao như điện thoại, máy tính bảng, chúng cho vào các túi xách tay, vali hành lý trà trộn trên xe khách gây khó khăn trong công tác kiểm tra. Các đối tượng buôn lậu lại thường xuyên bố trí người theo dõi di biến động của lực lượng chức năng để thông báo cho đối tượng vận chuyển hàng lậu chạy trốn, tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện, thậm chí chúng còn chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trên tuyến biển, công tác nắm tình hình, thu thập tài liệu, phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu còn khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sử dụng các loại phương tiện có công suất lớn, trang bị hệ thống màn hình định vị vệ tinh để vận chuyển hàng nhỏ gọn như thuốc lá, rượu… từ cảng Trúc Sơn, Vạn Mỹ, Trung Quốc về khu vực đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ hoặc một số vùng biển xa rồi xé lẻ đưa lên các tàu nhỏ tiếp tục vận chuyển sâu vào nội địa. Chúng còn sử dụng các phương tiện đánh bắt hải sản có trọng tải nhỏ luồn lách qua những lạch, đảo, núi để vận chuyển hàng lậu. Đối với những mặt hàng than mỏ, chúng dùng tàu trọng tải lớn, vận chuyển tuyến khơi xa, sau đó cắt tuyến xuất lậu đi Trung Quốc. Trên đường vận chuyển, chúng sử dụng quay vòng các bộ hóa đơn tiêu thụ than nội địa để đối phó sự kiểm tra, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Chủ động phối hợp trong công tác chống buôn lậu

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng coi trọng xây dựng kế hoạch, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm lâm, thanh tra, quản lý thị trường, thuế, công an… trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tích cực vận động quần chúng nhân dân phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vận chuyển hàng cấm, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Các lực lượng chứng năng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, rà soát, để chủ động lập phương án đấu tranh; tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, bảo đảm triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.658 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với 1.444 đối tượng. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 34,6 tỷ đồng. Đã khởi tố 55 vụ với 74 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 3.539 vụ với tổng giá trị hàng hóa tịch thu và xử phạt là 37,4 tỷ đồng.

Huy Phong