Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh năm 2024 – điểm nhấn kích cầu du lịch Quảng Ninh: Hiệu quả từ công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại Quảng Ninh: Thu ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt đạt hơn 97% |
Tận dụng lợi thế hiện có
Với lợi thế sở hữu 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt nước, Quảng Ninh xác định kinh tế biển là mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế năng động, phát triển. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của tỉnh Quảng Ninh đã đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm.
Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh; tổng sản lượng hàng hoá thông qua các cảng đạt khoảng 679 triệu tấn, bình quân đạt 132,1 triệu tấn/năm, bằng 107,87% so với mục tiêu đến 2025; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đạt 50,38 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 10,08 tỷ USD…
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. |
Đáng chú ý, mặc dù có 3 năm bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, có thời điểm năm 2021 không ghi nhận có khách quốc tế đến Quảng Ninh bằng tàu biển… tuy nhiên tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh vẫn đạt trên 40 triệu lượt (Kế hoạch đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch biển, đảo đạt 23,5 triệu lượt).
Với hạ tầng đang có, Quảng Ninh đủ điều kiện lý tưởng của một trung tâm logistics và tâm điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hoạt động vận tải biển và lưu thông hàng hoá với các vùng lân cận |
Đối với dịch vụ hàng hóa, đang hình thành, phát triển thêm các dịch vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, các mô hình các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cung ứng tàu biển. Từ đó, góp phần hình thành hạ tầng hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và các đơn vị vận tải biển.
Thêm vào đó, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu cảng biển được tỉnh Quảng Ninh cải thiện thông qua nhiều hình thức, từ đó hình thành các hiệp hội doanh nghiệp gắn với kinh tế biển; hình thành chuỗi du lịch kết nối đường biển thông qua các hãng tàu trong nước và quốc tế...
Quảng Ninh đã dần khẳng định là một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh, nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển, phát triển các khu thương mại gắn với vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
Gỡ được “nút thắt” về hạ tầng, cơ chế
Sau nhiều năm thu hút đầu tư, hiện tỉnh Quảng Ninh đã sở hữu hạ tầng cảng biển tương đối đồng bộ, hiện đại, nhiều dịch vụ có giá trị tăng cao mới được đưa vào phục vụ du khách, như: Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng khách quốc tế Hạ Long; cảng Vũng Đục; cảng Ao Tiên; bến Vịnh du thuyền. Khu vực ven biển xuất hiện nhiều công trình mới như bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao cũng lần lượt đưa vào đón khách…
Tỉnh Quảng Ninh đã từng bước gỡ được “nút thắt” về hạ tầng, cơ chế, tạo ra thời cơ mới để phát triển của một địa phương đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc. Từ đó làm động lực lan tỏa cho các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển cùng phát triển như thủy hải sản, du lịch, logistics…
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đang được gấp rút triển khai, góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển. |
Nối tiếp đà phát triển này, Quảng Ninh xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với những định hướng, giải pháp dài hạn. Trong đó, quan điểm phát triển vẫn theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, Quảng Ninh sẽ phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo công nghệ cao, hiệu quả và bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; nắm bắt kế hoạch chuyển dịch các nhà máy sản xuất của một số nước đang có xu hướng chuyển dịch về các nước ASEAN đầu tư sản xuất để kịp thời thu hút vào các KCN tại địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng Quảng Ninh. Đồng thời, tập trung thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế, như: Dịch vụ đại lý hàng hải, dịch vụ kho bãi, làm hàng container, chuyển tải và xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển...
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, kinh tế biển được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững.
Hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển là 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng,... Về định hướng chiến lược, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. |