Giảm nhẹ khó khăn vốn cho học tập

Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg (Quyết định 05) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định 157) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, mức cho vay tối đa sẽ được điều chỉnh nâng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Quyết định 05 dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.

Rộng cửa cho tín dụng ngân hàng đến với học sinh, sinh viên

Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 1/12/2019 (2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên) thì mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên kể từ khi Quyết định 05 có hiệu lực. Theo đánh giá của giới chuyên môn, mức vay vốn tối đa được điều chỉnh như trên là khá phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước.

Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập là một chủ trương của Chính phủ đã được thực hiện suốt 15 năm qua kể khi Quyết định 157 được ban hành, góp phần tạo chỗ dựa, niềm tin cho các gia đình học sinh, sinh viên nghèo. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu của ngân hàng chính sách đã được hiện đại hóa và liên thông trên toàn quốc, giúp việc chuyển trả nợ thuận tiện, qua đó có thể cung cấp các thông tin liên quan đến sinh viên vay vốn cho các nhà trường để cùng phối hợp thực hiện, cũng như quản lý đối tượng vay vốn và sử dụng vốn tốt hơn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt). Theo đó, việc nâng mức vốn vay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập, qua đó góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và học sinh sinh viên, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của thế hệ trẻ.

Đã chuẩn bị đầy đủ về nguồn vốn

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, bà Hoàng Thị Chương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng đã có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn vốn cho việc thực hiện tăng hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên theo tinh thần Quyết định 05. Ngoài ra thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ ban hành thêm những quy trình cụ thể để hướng dẫn các đơn vị triển khai khi Quyết định 05 có hiệu lực từ tháng 5 tới.

Về nguồn vốn từ ngân sách, tín dụng học sinh, sinh viên cũng nằm trong gói tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, đầu tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng dư nợ tín dụng 8% cho Ngân hàng Chính sách xã hội so với năm 2021 đối với các chương trình tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm (không bao gồm kế hoạch tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ).

Ngoài ra, trong thời gian triển khai chính sách cho vay học sinh sinh viên thời gian trước đây, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phối hợp với một số ngân hàng thương mại khác như VietinBank, Agribank… tiến hành mở tài khoản qua thẻ cho học sinh, sinh sinh viên. Do vậy hộ gia đình có thể hoàn thiện hồ sơ nhận tiền vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng tiền có thể chuyển trực tiếp qua thẻ cho học sinh, sinh viên. Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, thời gian qua Agribank phát triển sản phẩm thẻ cho các đối tượng là sinh viên, học sinh, trở thành một trong những phương tiện cho sinh viên có thể đóng học phí, ngoài ra sản phẩm thẻ này cũng có thể phục vụ cho các sinh hoạt chi tiêu hàng ngày.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho học sinh, sinh viên cũng đang được hỗ trợ một số hoạt động khác từ các trường đại học. Chẳng hạn, một số trường kết hợp với ngân hàng thỏa thuận hỗ trợ lãi vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên; hoặc phối hợp với các ngân hàng thương mại có chương trình vay vốn ngắn hạn để đóng học phí dành cho sinh viên có khó khăn về tài chính.

Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình được vay vốn

1. Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

2. Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

3. Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Quyết định 05 cũng quy định kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.