Hoàn thiện “kim chỉ nam”

Hơn 10 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu và kết quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển và hiện đại hóa, được Chính phủ và xã hội đánh giá là một trong những cơ quan hành chính nhà nước đi đầu trong công tác cải cách và phát triển. Mặc dù vậy, những thành tựu, kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đang tiếp tục và cần có thêm thời gian, nguồn lực để thực hiện mới đảm bảo tính bền vững và sự lan tỏa của các thành quả này. Đây là tiền đề để ngành Hải quan đặt ra các mục tiêu tổng quát trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 - là 1 trong 8 chiến lược cốt lõi của Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Ngay sau khi Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được phê duyệt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025. Đây là những văn bản mang ý nghĩa “kim chỉ nam” để ngành Hải quan hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra trong chiến lược.

Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã xây dựng xong Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của đơn vị mình đến năm 2025. Ảnh: VĂN TÁ
Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã xây dựng xong Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của đơn vị mình đến năm 2025. Ảnh: Văn Tá
Theo Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan, các chương trình, kế hoạch này sẽ là căn cứ để ngành Hải quan tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Đồng thời là căn cứ để phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 trong trường hợp cần thiết.

Chưa đầy 1 tháng sau, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trực tiếp ban hành quyết định phân công nhiệm vụ đến từng đơn vị thuộc và trực thuộc tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch nói trên theo từng hoạt động, lộ trình triển khai cụ thể.

Chủ động từ địa phương

Để việc triển khai chiến lược được thông suốt, vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức các đoàn công tác xuống làm việc với 11 cục hải quan địa phương trọng điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn công tác có đại diện 4 nhóm chuyên môn xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 gồm: thể chế; nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; công nghệ thông tin. Qua các buổi làm việc, Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận sự khẩn trương, chủ động của các địa phương trong xây dựng dự thảo để sớm ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa.

Đến nay, hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố đã xây dựng xong Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan đến năm 2025; đang hoàn thiện trình ký ban hành để đi vào thực hiện.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của hải quan các địa phương cần cơ bản đảm bảo nhất quán với định hướng chung của ngành Hải quan; bám sát các mục tiêu, mục đích và các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025; phù hợp với đặc điểm, đặc thù của đơn vị và gắn kết với định hướng phát triển chung của từng địa phương.

Các hoạt động của kế hoạch phải rõ ràng, cụ thể, có sản phẩm đầu ra, đơn vị chủ trì và thời gian triển khai gắn với từng hoạt động; cần tính đến nguồn lực, kinh phí đảm bảo kế hoạch được khả thi, thiết thực và hiệu quả. Ngoài ra, thể hiện được nội dung cơ quan hải quan là đơn vị đi đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, trong ngành về chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…

Cũng theo ông Cường, để triển khai hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đã đặt ra, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành Hải quan, vai trò của các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Ngành Hải quan xác định, chiến lược phát triển hải quan chỉ có thể đạt được kết quả cao nhất khi nhận được sự giúp đỡ, hợp tác và đóng góp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện chiến lược.

Ngành Hải quan còn cả chặng đường 7 năm phía trước để đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu sau khi Chiến lược được “khai sinh”, sự chủ động, rốt ráo của toàn hệ thống đã thể hiện quyết tâm chính trị to lớn, đem lại những khởi đầu tích cực cho một giai đoạn cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan mới.

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm thế giới

Mục tiêu tổng quát đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.