Chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 Tái cấu trúc hệ thống tài chính bước vào chặng nước rút Vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng bị tắc bởi hành lang pháp lý

Đây là nội dung chính của báo cáo “Triển vọng ASEAN - Củng cố tài khóa: Một chặng đường dài” do ngân hàng HSBC vừa công bố.

Việt Nam tích cực củng cố tài khóa sau đại dịch

Theo báo cáo, thâm hụt ngân sách ở ASEAN được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022. Sau các gói hỗ trợ phục hồi cao kỷ lục trong hai năm qua, các nhà làm chính sách ASEAN tỏ ra khá dè dặt trong việc ngưng hỗ trợ chính sách quá nhanh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi mới chớm diễn ra.

Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nhiều nước đã công bố thêm chính sách hỗ trợ trong năm 2022 nhằm giúp giảm nhẹ tác động của tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Trong đó, Malaysia và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu năng lượng chính của khu vực, gặp thuận lợi nhờ tận dụng ngân sách “bội thu bất ngờ” liên quan đến giá năng lượng.

Chính sách tài khóa
Malaysia và Indonesia gặp thuận lợi nhờ giá năng lượng tăng. Ảnh minh họa.

Nhìn vào kế hoạch ngân sách năm 2023, HSBC nhận định khu vực này nhiều khả năng sẽ trở lại thời kỳ củng cố tài khóa dù tiến độ triển khai mỗi nước một khác. Singapore, Indonesia và Việt Nam nhiều khả năng sẽ đứng đầu khu vực với kế hoạch đưa tỷ trọng thâm hụt trên GDP về gần mức của thời điểm trước đại dịch. Còn Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ triển khai với tiến độ chậm hơn.

Cụ thể, Singapore tiếp tục dẫn đầu ASEAN với các kế hoạch củng cố tài khóa tiến bộ. Sau khi triển khai hỗ trợ mạnh mẽ trong đại dịch, Singapore đã giảm thâm hụt tài khóa từ 51,6 tỷ SGD (10,8% GDP) trong năm tài khóa 2020 xuống 3 tỷ SGD (0,5% GDP) trong năm 2022. Phần lớn sự cải thiện đến từ quyết định ngưng các hỗ trợ liên quan đến đại dịch.

Mặc dù vậy, Singapore vẫn duy trì các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp các lĩnh vực và hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng trong năm nay, tuy nhiên, quy mô hỗ trợ tương đối nhỏ. Khi những áp lực lạm phát mạnh dần lên từ giữa năm 2022, chính phủ Singapore đã nhanh chóng công bố gói hỗ trợ thứ hai trị giá 1,5 tỷ SGD (0,3% GDP). Thông điệp ở đây rất rõ ràng: mục đích của đợt hỗ trợ bổ sung là nhằm trợ cấp kịp thời cho những hộ dân thu nhập thấp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân sách hỗ trợ đến từ nguồn thu cao hơn kỳ vọng trong năm tài khóa 2021, do đó thâm hụt vẫn nằm trong mức dự kiến.

Indonesia và Malaysia tuy có nhiều nét tương đồng, nhưng triển vọng tài khóa hai nước lại ngày càng khác biệt. Trong năm 2022, cả hai nền kinh tế đều có những chính sách trợ cấp bổ sung, chủ yếu là trợ giá nhiên liệu và một số hỗ trợ về thực phẩm và tiền mặt trực tiếp ở Malaysia. Tuy nhiên, tiến độ củng cố tài khóa của Malaysia sẽ chậm hơn so với các nước khác trong khu vực.

Tại các nước khác như Philippines, các cơ quan chức năng đang xem xét quy định về Chương trình kế hoạch tài khóa trung hạn, trong đó mọi kế hoạch dự chi trong vòng 6 năm tới của chính phủ sẽ phải tuân thủ mục tiêu giảm thâm hụt 1 điểm phần trăm mỗi năm. Nếu thành công, dự kiến tỷ trọng nợ trên GDP sẽ giảm xuống dưới 60% vào khoảng năm 2025.

Khác với Philippines, Thái Lan dự định tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng tài khóa hiện tại. Ngân sách đệ trình cho năm tài khóa 2023 cao hơn năm trước 2,7%, tăng phần lớn do đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chi hỗ trợ giá dầu.

Các nước tiếp tục tăng mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Sự không chắc chắn của môi trường kinh tế vĩ mô ngày nay đồng nghĩa với sự không chắc chắn về nguồn thu ngân sách cơ bản của một quốc gia. Đó là lý do vì sao phần lớn chính phủ các nước ASEAN đang dự toán tăng trưởng thu ngân sách trong năm 2023 thấp hơn xu hướng trước đây. Tác động đối với mỗi nước một khác và ba nước có tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP cao nhất, Philippines, Việt Nam và Singapore, nhiều khả năng sẽ trụ vững.

Bên cạnh trợ giá, hầu hết các nền kinh tế sẽ tiếp tục phân bổ lại các nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng - một vấn đề ưu tiên thường trực với các nhà làm chính sách ASEAN. Cụ thể, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều dựa vào đầu tư ngân sách để thúc đẩy phục hồi.

Ví dụ, Malaysia đã tăng 30% ngân sách cho đầu tư phát triển trong kế hoạch ngân sách 2023, đồng thời triển khai một kế hoạch tổng thể giai đoạn 2023 - 2030 để giới thiệu mô hình đối tác công tư mới, nhằm thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng.

hạ tầng

Nhiều nước đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sau đại dịch. Ảnh: TL

Trong bối cảnh đó, là một quốc gia liên tục đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng - tương đương 6% GDP mỗi năm, Việt Nam nhiều khả năng lại dẫn đầu khu vực về mảng này. Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thích ứng với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, nền kinh tế này ngày càng cần nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng “truyền thống”. Mặc dù vậy, nhiều dự án đã rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn.

Theo HSBC, củng cố tài khóa không chỉ đơn giản là giảm chi ngân sách. Vấn đề còn nằm ở hiệu suất thu ngân sách của chính phủ cao thấp ra sao thông qua các khoản thu từ thuế và các khoản thu khác. Củng cố tài khóa vẫn có thể diễn ra ngay cả khi chính phủ quyết định chi ngân sách nhiều hơn.

Nếu một chính phủ có thể thu ngân sách cao hơn mức chi tiêu bị đội so với kế hoạch, thâm hụt tài khóa sẽ thu hẹp và về cơ bản, chính phủ đó vẫn đang củng cố các nguồn tài khóa. Hiệu suất thu ngân sách phụ thuộc vào mức độ ổn định và linh hoạt của chính sách thuế hiệu hữu cũng như các kế hoạch cải tổ chính sách thuế tại mỗi quốc gia.

Xét về cơ sở thuế, các nước ASEAN có các mức khác nhau, chiếm từ 8% đến 15% GDP. Singapore vẫn là nước vượt trội. Trọng tâm của ngân sách năm tài khóa 2023 là triển khai kế hoạch tăng thuế hàng hóa và dịch vụ GST vốn được lên kế hoạch từ rất lâu trước cả đại dịch.

Trong khi đó, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đang gặp một số thách thức về mở rộng nguồn thu thuế. Tỷ trọng thu thuế trên GDP của Thái Lan và Việt Nam gần đây đã giảm một phần là do những biện pháp tạm thời nhằm giúp đỡ người dân ứng phó với tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trên GDP của Việt Nam giảm, phần nào còn do việc đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021./.