Đây là thông tin được nêu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp (UBTP) thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, trình bày tại phiên họp sáng 13/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Hà Nội đã xử lý 47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng Bộ Tài chính: Luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ để phòng ngừa tham nhũng Phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật

Phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không chùng xuống

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết UBTP nhận thấy, năm 2023, công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục được quan tâm. Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước.

Số vụ tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46%, riêng hối lộ tăng 312,5%

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Tuy nhiên, UBTP cũng đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN vẫn còn có những hạn chế. Trong công tác xây dựng pháp luật, còn có trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn có sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực…

Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới, đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến và Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Cụ thể như việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ, ban hành quy tắc ứng xử trong nhiều trường hợp còn chậm; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa ban hành quy tắc ứng xử để thực hiện. Việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn xảy ra. Năm 2023 phát hiện, xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 71,5% so với năm 2022).

Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm ban hành văn bản quy định chi tiết theo quy định.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật

Về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm. Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.

Việc phát hiện, xử lý các hành vi nhận hối lộ có chuyển biến mạnh mẽ, bước đầu khắc phục được tình trạng hạn chế được nêu trong các báo cáo thẩm tra của UBTP những năm trước về tình hình đưa và nhận hối lộ diễn ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý còn rất ít, không đáp ứng được yêu cầu. Theo báo cáo, trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71,6% về số vụ và tăng 161,17% về số đối tượng; đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%.

Số vụ tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46%, riêng hối lộ tăng 312,5%
Toàn cảnh phiên họp sáng 13/9.

Nhìn chung, UBTP đánh giá, trong năm 2023, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực; qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác này, đồng thời tạo sự răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chung cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, từng bước chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ hơn, nhất là đối với việc quản lý các dịch vụ công giao cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN (Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố 45 vụ/82 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp). Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN, Phó Chủ nhiệm UBTP báo cáo.

Chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng tăng 86,4%

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, các cơ quan cũng đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 71,5% so với năm 2022). Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.

Về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 37.474 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 86,4% so với năm 2022).

Có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó: có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.