Xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính mới khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Tính toán kỹ nguồn vốn để khởi động lại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Trình chính sách mới về thuế thu nhập doanh nghiệp trong tháng 10

Trả lời đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) về định hướng hành động và giải pháp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu đang là một trong những vấn đề thời sự hiện nay và được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có nhiều chỉ đạo về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã cho thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá tác động, đưa ra đề xuất. Vừa qua, tổ công tác đã có báo cáo và Thường trực Chính phủ đã họp.

Dự kiến tổ công tác này sẽ đề xuất với Thủ tướng sau đó trình Chính phủ và trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới, nếu kịp thì trong tháng 10 về những chính sách thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho hay, trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập một cách sâu rộng, chúng ta có quyền đánh thuế nhưng vẫn phải bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia.

Sớm trình Quốc hội giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời tại Quốc hội

Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng nêu câu hỏi với Phó Thủ tướng về thu hút vốn FDI khi chúng ta áp dụng thuế này, Phó Thủ tướng nêu rõ phải đánh giá tác động vấn đề này hết sức nghiêm túc, khoa học. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết về thu hút đầu tư, đặc biệt là chính sách thuế, do đó phải xử lý hết sức thận trọng, kỹ lưỡng.

Với tầm quan trọng như vậy, theo Phó Thủ tướng, có thể cần báo cáo Bộ Chính trị để xin chủ trương và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội để sửa luật, bổ sung, điều chỉnh các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư khác không vi phạm cam kết quốc tế. Nhấn mạnh đây là vấn đề phát sinh rất mới, Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới các đại biểu Quốc hội, UBTVQH và Quốc hội cùng với Chính phủ xử lý những việc này.

Đánh giá lại đầy đủ, cụ thể về công tác cổ phần hóa

Tiếp tục trả lời đại biểu Nguyễn Danh Tú về tiến độ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ đây là một trong những công tác hết sức quan trọng, là một trong những nội dung về cơ cấu lại nền kinh tế. Từ nhiệm kỳ vừa qua tới nay, công tác cổ phần hóa không đạt kế hoạch, yêu cầu đề ra, kể cả về mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN), về thoái vốn, về quản trị và những mục tiêu về nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nêu một số khó khăn trong công tác cổ phần hóa, Phó Thủ tướng cho hay những doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm hầu như đã cổ phần hóa xong, chỉ còn lại những doanh nghiệp kém hấp dẫn hơn. Công tác cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp mặc dù đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn, khi cổ phần hóa thì chỉ được trên dưới 1%, do đó phải tính toán xu thế, hiệu quả, mục tiêu trong điều hành kinh tế vĩ mô để có quyết định phù hợp.

Thời gian tới, căn cứ vào những quy định pháp luật như Quyết định 22, Quyết định số 360 về cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty và các quy định pháp luật khác, đặc biệt là Nghị quyết 12 của Trung ương, chúng ta sẽ đánh giá lại một cách đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó đề ra những giải pháp về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục để làm đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Sớm trình Quốc hội giải pháp ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu
Đại biểu Sùng A Lềnh

Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo và những giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho hay vướng mắc trong việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp là do luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Thị trường trái phiếu chưa có sự bền vững về cơ cấu, cùng với việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid khiến thanh khoản thị trường càng khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu đến hạn thanh toán tính đến 31/12/2022 là 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó đáo hạn của năm 2023 là 290.000 tỷ đồng, đòi hỏi doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán.

Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều, năng lực chủ đầu tư.

Vừa qua, Thủ tướng đã lập tổ công tác do hai Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Khi hai tổ công tác này có báo cáo, Chính phủ sẽ chỉ đạo để gỡ khó cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này minh bạch.

Thị trường trái phiếu đã có những tín hiệu tích cực

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã ban hành và sửa đổi nhiều nghị định, như Nghị định 65, Nghị định 08, v.v.. để tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu. Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã có những tín hiệu tích cực trong phát hành, thanh toán, gia hạn…

Nhìn chung đến nay đã ổn định được tình hình và Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ trên tinh thần các bên thực hiện trách nhiệm theo nghĩa vụ, theo hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm tham gia, kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, theo các nghĩa vụ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như nhà đầu tư, Phó Thủ tướng khẳng định.