Sử dụng hợp lý chính sách tài chính nghịch chu kỳ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, ngày 24/5/2023.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 có dấu ấn đặc biệt nhất trong công tác điều hành ngân sách nhà nước?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng dấu ấn sắc nét nhất công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được Bộ Tài chính luôn coi trọng, thực hiện chủ động, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, bảo đảm chất lượng. Các chính sách này đã thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp cho công tác quản lý tài chính-ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.

Về điều hành ngân sách nhà nước, ngành Tài chính đã thực hiện điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Quy định này sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024, và đây là sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị tăng, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu cho ngân sách nhà nước. Nhờ đó, kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán Quốc hội giao trên cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Về chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu.

Trong năm 2023, chúng ta đã cân đối, bảo đảm nguồn lực thực hiện nâng lương cơ sở, điều này vô cùng ý nghĩa với người lao động, là tiền đề quan trọng để năm 2024 tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Trong năm 2023, chúng ta đã cân đối, bảo đảm nguồn lực thực hiện nâng lương cơ sở, điều này vô cùng ý nghĩa với người lao động, là tiền đề quan trọng để năm 2024 tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về nợ công của quốc gia trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cá nhân tôi cho rằng, thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.

Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

Nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Không những thế, cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần.

Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.

Cá nhân tôi cho rằng, thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bên cạnh đó, việc các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch cũng rất có ý nghĩa. Đặc biệt, để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thêm thời gian điều chỉnh trước các khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, Bộ Tài chính đã trình cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư trên tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.

Các chính sách tại Nghị định số 08 được các bộ ngành, các hiệp hội đánh giá cao, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn; đồng thời, đây cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các bộ ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường tài chính.

"Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Quy định này sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024, và đây là sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước"- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

PV: Trong bối cảnh nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị mạnh tay thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, theo Bộ trưởng, liệu điều này sẽ gây thách thức lên cân đối ngân sách và điều hành chính sách tài khóa trong năm tới hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thực tế là việc thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ đã được tiến hành suốt mấy năm qua, theo đó thực hiện nới lỏng có kiểm soát chính sách tài khóa nhằm ngăn chặn đà suy giảm, thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế. Nhờ vậy, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh tổng thể nền kinh tế thế giới.

Các giải pháp điều chỉnh miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí cùng các khoản thu ngân sách khác; tăng chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội và cải cách chính sách tiền lương, chấp nhận tăng bội chi so với lộ trình kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt… chính là điển hình cho chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.

Sử dụng hợp lý chính sách tài chính nghịch chu kỳ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 20/11/2023.

Việc dành thêm hàng chục nghìn tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi để tăng chi cho đầu tư phát triển đã và đang tạo thêm động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và trong thời gian tới, đưa vốn “mồi” thu hút thêm đầu tư tư nhân để kích cầu trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhờ chính sách tài khóa nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trong khi vẫn bảo đảm an sinh xã hội. Như vậy, có thể thấy việc thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ năm 2023 có hiệu quả nhất định đến tăng trưởng kinh tế mà vẫn bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.

Có thể thấy việc thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ năm 2023 có hiệu quả nhất định đến tăng trưởng kinh tế mà vẫn bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Dự báo năm 2024 chúng ta triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế. Điều rất mừng là năm 2024 đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Dự báo năm 2024 chúng ta triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế. Điều rất mừng là năm 2024 đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc