trang 6

Xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng, có thể ảnh hưởng đến giá một loạt các ngành hàng khác.

Xung quanh chủ đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

PV: Một trong các lý do phải sửa đổi luật là để thích ứng với chính sách thuế nhập khẩu về 0% theo các cam kết hội nhập. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Thuế là một công cụ chính sách có nhiều tác động, trước hết là điều chỉnh giá cả, hành vi tiêu dùng. Sắp tới, khi chúng ta thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%, giá xăng dầu trong nước trở nên rất thấp so với mặt bằng chung thế giới, thì cần phải sử dụng công cụ thuế để đưa mặt bằng giá về cân bằng với thế giới. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng sử dụng lãng phí, hay buôn lậu do lợi dụng giá thấp. Do đó, việc sử dụng thuế để điều tiết các tình huống trên là một công cụ tất yếu.

Một tác động nữa của thuế là tạo nguồn thu cho ngân sách. Nguồn thu này trước hết là để giải quyết những vấn đề liên quan đến mặt hàng thu thuế. Ví dụ như xăng dầu thì có vấn đề về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc dùng sắc thuế gì để điều chỉnh giá xăng dầu cho hợp lý cần phải cân nhắc. Có nhiều công cụ chính sách tác động đến giá xăng dầu ngoài thuế nhập khẩu như thuế tiêu thụ đặc biệt, quỹ bình ổn giá,… Chúng ta hoàn toàn có thể dùng quỹ bình ổn để điều tiết, khi giá thấp thì nâng mức thu quỹ bình ổn, ngược lại khi giá xăng dầu cao thì sẽ lấy quỹ để bù đắp, hoặc đầu tư vào những việc giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn.

ong cuong

Đại biểu Hoàng Văn Cường

PV: Về ý kiến cho rằng khoản thu từ thuế phải chi cho môi trường, Chính phủ cho biết là nguồn thu từ thuế BVMT thực ra không đủ để bù đắp cho chi phí về môi trường. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều khoản đầu tư lớn góp phần cải thiện môi trường. Theo ông, có cần thiết phải tách bạch khoản chi riêng cho môi trường hay không?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta không thể tách riêng khoản thu từ thuế BVMT và chỉ để chi cho các hoạt động môi trường. Theo luật, các khoản thu phải đưa vào ngân sách chung, sau đó dùng để chi cho các hoạt động theo cân đối. Tuy vậy, xét về cân đối vĩ mô, chúng ta vẫn có thể biết được trong một năm đầu tư cho môi trường hết khoảng bao nhiêu. Đó là số chi rất lớn mà chắc chắn nguồn từ thuế BVMT không thể đáp ứng được mà phải từ nhiều nguồn thu khác nhau của ngân sách.

PV: Ở khía cạnh cân đối ngân sách, việc dùng sắc thuế nội địa để thay thế thuế nhập khẩu xăng dầu có phải là hợp lý, phù hợp thông lệ hay không, thưa ông?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc phải dùng các sắc thuế nội địa là hoàn toàn phù hợp. Thời gian tới, chúng ta còn phải điều chỉnh, mở rộng cơ sở thuế hơn nữa vì dư địa vẫn còn nhiều. Ngay các thuế liên quan đến môi trường như về xả thải hiện vẫn rất thấp, nhiều bất cập. Không chỉ riêng cho xăng dầu, xe cộ, mà tất cả các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt đều tạo ra các nguồn xả thải.

Ở các nước, nguồn thu từ thuế rất đáng kể để đảm bảo công bằng, bình đẳng, điều tiết các hoạt động kinh tế. Với chúng ta, ngay như thuế thu nhập cá nhân cũng chưa được khai thác đầy đủ, thuế tài sản thậm chí chưa có, cho dù đây là loại thuế rất phổ thông ở các nước. Chắc chắn thời gian tới các chính sách thuế phải được mở rộng, hoàn thiện nhiều hơn, không phải chỉ để đảm bảo nguồn thu mà còn điều tiết thu nhập, công bằng xã hội, tạo ra nguồn đầu tư phát triển, mang lại phúc lợi công cộng nhiều hơn.

PV: Hiện nay, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng rất phức tạp. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu của chúng ta so với các nước chung biên giới đang thấp, do tỷ lệ thuế trong giá thấp hơn. Liệu có thể kỳ vọng việc dùng sắc thuế điều chỉnh để hạn chế tình trạng buôn lậu?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta phải có nhiều biện pháp điều hành kinh tế, tránh giá xăng dầu biến động quá nhiều, nhanh. Việc dùng thuế điều chỉnh để hạn chế tình trạng buôn lậu là hợp lý. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng tăng giá xăng dầu lên cao quá không tốt mà chỉ nên để ở mức hợp lý. Giá quá thấp dẫn đến trục lợi qua buôn lậu, nhưng cũng không nên cao quá để tránh tác động lớn đến nền kinh tế. Xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng, có thể ảnh hưởng đến giá một loạt các ngành hàng khác.

PV: Đó cũng là điều mà người dân e ngại khi dự thảo đưa ra mức trần khung thuế là 8.000 đồng/lít. Theo ông, việc tăng khung thuế như vậy có cao hay không?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rất khó để tính khung đó cao hay thấp vì còn phụ thuộc vào tổng chi phí cho hoạt động về môi trường đến mức độ nào. Nếu chúng ta đầu tư nhiều, cải tạo môi trường tốt, thì rõ ràng cần đưa mức phí cao hơn. Nhưng trong bối cảnh chúng ta chưa khắc phục được nhiều thì có thể để ở mức thấp. Do vậy, tôi cho rằng khung cần khoảng linh hoạt để điều hành, còn khi quyết định mức nào, vì sao thì Chính phủ sẽ phải hết sức cân nhắc, thậm chí nếu cần còn phải điều chỉnh cả khung chứ không phải cố định. Đồng thời, chúng ta cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, thông tin cụ thể để người dân yên tâm.

PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y (thực hiện)