Tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm gần đây nặng hơn?

Chậm trễ, trì trệ trong hoạt động công vụ bào mòn niềm tin của dân

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

“Tâm lý không làm thì không sai, là diễn biến cản trở nghiêm trọng sự phát triển”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Tâm lý không làm thì không sai, là diễn biến cản trở nghiêm trọng sự phát triển”

“Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn hiện nay” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Theo người đứng đầu ngành nội vụ, có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng trên, đó là: nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn còn hạn chế; nêu gương của một số người đứng đầu còn chưa nghiêm túc; thể chế còn có mặt bất cập, chồng chéo, quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất; kỷ cương kỷ luật đang được siết chặt, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh, hàng loạt cán bộ công chức bị truy tố, kỷ luật, cũng dẫn đến một bộ phận cán bộ công chức sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.

“Thực tế trong bối cảnh này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực năng động sáng tạo nên đạt nhiều kết quả tốt, như: lĩnh vực đầu tư công, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Cùng cơ chế đó, cùng thể chế đó nhưng nhiều nơi vẫn dám làm dám chịu trách nhiệm và có kết quả tốt. Do đó, không thể đổ hết cho thể chế, cơ chế này là khó khăn, là rào cản không thực hiện được” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã cố gắng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính, phản ánh qua các chỉ số cải cách hành chính, PIPA…

Xem xét động cơ để khoan dung hơn nữa trong xử lý cán bộ

Về nhiệm vụ, giải pháp, người đứng đầu ngành Nội vụ nhất trí với các giải pháp đại biểu Quốc hội nêu. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, hơn lúc nào hết phải thay đổi nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ công chức, nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức công vụ, chấn chỉnh ngay, quyết liệt thực hiện theo các nghị quyết của Đảng, xây dựng Đảng, gắn với trách nhiệm của Đảng viên, cán bộ công chức. Đồng thời, tăng cường kỷ cương kỷ luật của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Tâm lý không làm thì không sai, là diễn biến cản trở nghiêm trọng sự phát triển”
Vấn đề cán bộ công chức né tránh, sợ sai, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

“Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm vấn đề này. Trong các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp và tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kỷ cương kỷ luật công vụ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều công điện, nghị quyết chuyên sâu về vấn đề này. Phải xóa bỏ tư tưởng, nhận thức của một số cán bộ công chức đó là không làm thì không sai, đây chính là một loại diễn biến cản trở nghiêm trọng sự phát triển” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về rà soát các cơ chế chính sách còn khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề xuất một số các giải pháp khác, như: đẩy mạnh đổi mới công tác cán bộ công chức, biểu dương kịp thời các cơ quan xử lý nghiêm các cán bộ công chức không dám làm dám chịu trách nhiệm, kể cả cán bộ lãnh đạo không đáp ứng nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm người dứng đầu trong thực thi công vụ; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, công phá tâm lý sợ sai, không dám làm trong thực thi công vụ…

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu phân loại các vụ việc vi phạm, sai phạm có tính chất, mức độ, động cơ, nếu không có vụ lợi cá nhân, nếu không có tham ô, tham nhũng, thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa, nhằm tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là nhiệm vụ thời gian qua, từ Quốc hội đến Chính phủ rất quyết tâm, xác định là nguồn lực phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.289 TTHC, tại 175 văn bản của các bộ, ngành và riêng 5 tháng vừa qua đã cắt giảm gần 400/1.099 TTHC.

“Đây thể hiện tinh thần quyết liệt, nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nên Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đầu tư và cho phát triển” - người đứng đầu ngành nội vụ cho biết./.

Khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa trong xử lý cán bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu phân loại các vụ việc vi phạm, sai phạm có tính chất, mức độ, động cơ, nếu không có vụ lợi cá nhân, nếu không có tham ô, tham nhũng, thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa, nhằm tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.