Bắt hơn 4 nghìn vụ vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về chủ đề “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ - Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 8/12 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập, cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp tại các cửa khẩu.

Tăng hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đặng Văn Dũng (giữa) thông tin về kế hoạch chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm 2023 và giáp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Đỗ Doãn

Chỉ trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 5.692 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 433,5 tỷ đồng.

Riêng về hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), từ năm 2022 đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc với tổng trị giá hàng hóa trên 18 tỷ đồng.

''Dự báo trong những tháng cuối năm 2023, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…’’ - bà Hồng nói.

Theo ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường, tình trạng vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi. Riêng trong những năm gần đây có hiện tượng các đối tượng người nước ngoài “núp bóng”, cấu kết với các đối tượng trong nước cũng như các đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao để kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền SHTT...

Trong khi đó, theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, riêng số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT bị phát hiện, bắt giữ từ đầu năm lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền SHTT.

Các lô hàng giả, xâm phạm quyền SHTT bị cơ quan hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn, như lô hàng gần 40 container dây cáp điện có dấu hiệu giả mạo xuất xứ do một doanh nghiệp nhập khẩu qua cảng Cát Lái đã bị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện khởi tố hình sự vào cuối tháng 2/2023. Vụ việc hiện đang được Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra làm rõ.

Tăng hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm
Quang cảnh buổi tọa đàm chống hàng lậu, hàng giả cao điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Ảnh: Đỗ Doãn

Chủ động phối hợp, nắm chắc diễn biến và dự báo sát tình hình

Về công tác đấu tranh phòng chống, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hiện vẫn còn có một số đơn vị, địa phương chưa coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, trao đổi, chia sẻ thông tin, cũng như chưa coi trọng công tác phối hợp chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, nên có nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành tại địa phương.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân kết quả phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm, nhất là hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng hoá giả mạo xuất xứ… còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Do vậy, để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

Tăng hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được trưng bày bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: Đỗ Doãn

Riêng trong giai đoạn cuối năm, Văn phòng thường trực đã hoàn tất dự thảo Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, đang thực hiện lấy ý kiến các thành viên của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Trong kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao nhiệm vụ Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024;

''Song song đó là xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng...; tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán…'' - ông Dũng chia sẻ.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương sẽ thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng đơn vị tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.