![]() |
Công ty Yody Phương Anh sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Ảnh: TL. |
Vấn nạn nhức nhối
“Dạo” một vòng trên các trang mạng hoặc sàn thương mại điện tử, ta có thể dễ dàng bắt gặp các bài rao bán sản phẩm mỹ phẩm nổi tiếng như Chanel, Gucci, M.A.C, Byphasse Solution Micellaire… nhưng giá bán ra rẻ hơn nhiều lần so với hàng chính hãng. Thậm chí, có thỏi son, hộp kem chỉ vài chục nghìn đồng. Trong vai người mua hàng đặt các câu hỏi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ với người bán, hầu hết câu trả lời nhận lại được chỉ là hàng “xách tay”, hàng “sale” của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… mà không có chứng từ hóa đơn chứng minh.
Câu chuyện này đã diễn ra một thời gian dài. Giữa năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là mỹ phẩm, thu giữ số lượng hàng hóa lớn, khoảng 30 tấn. Cuối tháng 7/2024, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang cũng “phá” một kho hàng online, thu giữ khoảng 70 nghìn sản phẩm mỹ phẩm gồm kem dưỡng da, kem trị nám, sữa rửa mặt, gel tẩy da chết, kem tẩy lông, kem dưỡng tóc, thuốc nhuộm tóc, nước hoa… tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Chủ kho hàng thừa nhận toàn bộ số hàng hoá nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.
Kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý Khi cơ chế chính sách đang trong thời gian hoàn thiện, cần đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định. |
Mới đây, một hãng mỹ phẩm lớn của Pháp là La Roche Posay đã phải đăng tải thông báo rộng rãi trên mạng xã hội, khẳng định ở Việt Nam chỉ có một trang facebook duy nhất, chính hãng có dấu xác nhận chính chủ. Nguyên nhân của bản thông báo này là do quá nhiều tổ chức, cá nhân mạo danh hãng để bán hàng giả khiến người tiêu dùng khiếu nại. Việc này không chỉ gây tổn hại đến kinh tế, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc mà còn gây hại cho sức khỏe người sử dụng các sản phẩm.
Một số trường hợp khác, các cá nhân tự mua nguyên liệu về sản xuất các loại mỹ phẩm rồi bán ra thị trường mà không xin phép, không đăng ký với các cơ quan chức năng. Một số có đăng ký, có giấy phép sản xuất mỹ phẩm nhưng quá trình sản xuất lại không đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã cam kết trong giấy phép.
Gần đây nhất, giữa tuần qua, cơ quan chức năng đã đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Hải Dương, (TP. Hồ Chí Minh). Lý do thu hồi được xác định là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Propylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trước đó, đầu tháng 10/2024, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thẩm mỹ Yody Phương Anh tự sản xuất hàng loạt các loại mỹ phẩm khi chưa được cấp phép nên bị xử phạt 170 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Công ty này còn bị buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm…
Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh
Từ thực tế nhức nhối của vấn nạn này, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về công tác quản lý và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8.
Chia sẻ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm.
Theo cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc là Sở Y tế. Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm Việc người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL quảng cáo “lố” về công dụng của nhiều loại sản phẩm, trong đó có mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã làm “nóng” nghị trường những ngày gần đây. Thực tế, với mỗi bài đăng quảng cáo sản phẩm, người có sức ảnh hưởng dễ dàng bỏ túi vài triệu cho tới vài chục triệu đồng. Đó là lý do khiến người nổi tiếng dễ dãi khi đăng tải thông tin quảng cáo mà không cần kiểm chứng sản phẩm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, khoảng 50% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi những người có sức ảnh hưởng trên mạng. Nhưng nhiều vụ việc người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng tới sức khỏe đã khiến người dùng bức xúc. Hiện nay, Luật Quảng cáo đã có chế tài xử lý quảng cáo sai sự thật, nhưng luật được ban hành từ năm 2012, khi mạng xã hội chưa phát triển mạnh như hiện tại, khiến luật chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ. Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến đã tập trung khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung cơ chế xử lý người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo theo hình thức trải nghiệm. Theo đó, người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Cho rằng những đề xuất này hết sức đúng đắn, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, người có sức ảnh hưởng bởi độ lan tỏa các bài viết của họ rất lớn, vì thế, ý thức trách nhiệm cũng phải cao hơn. Quy định người quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo ra mối nguy hiểm cho cộng đồng. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, một sản phẩm quảng cáo được cấu thành bởi các chủ thể như: nhãn hàng trả tiền thuê quảng cáo, đơn vị sản xuất ra sản phẩm quảng cáo, các nền tảng chuyển tải quảng cáo, diễn viên, người chuyển tải thông tin, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Các chủ thể này đều có mối liên quan và chịu trách nhiệm với việc quảng cáo sản phẩm. Việc siết quản lý thì đã rõ, nhưng ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ phương thức chứng minh được việc người quảng cáo có thật sự "trải nghiệm trực tiếp sản phẩm" hay không và trải nghiệm đến mức nào? Làm được mới thực sự đảm bảo được tính răn đe của các hình thức xử phạt. |