Tăng tiềm lực dự trữ quốc gia lĩnh vực an ninh, đáp ứng yêu cầu cấp bách
Lực lượng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực an ninh góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ảnh: TL

Xuất cấp kịp thời, sử dụng hiệu quả

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dự trữ quốc gia (DTQG) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính về công tác DTQG ngành an ninh mới đây, Thiếu tướng Phạm Trường Giang - Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính, Bộ Công an cho biết, hàng DTQG ngành an ninh do Bộ Công an quản lý hiện tại về cơ bản đã thực hiện bảo quản theo đúng quy trình, trình tự quy định. Công tác xuất cấp hàng DTQG ngành an ninh kịp thời, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, công tác quản lý DTQG trong lĩnh vực an ninh luôn được tăng cường, củng cố trên tất cả các lĩnh vực.

Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan từng bước xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật về DTQG, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; tạo ra khung pháp lý, định hướng cho công tác quản lý của ngành DTNN nói chung và quản lý hàng DTQG trong lĩnh vực an ninh nói riêng như: Luật DTQG và các nghị định hướng dẫn thi hành; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030. Trong đó, các chính sách đã định hướng về danh mục, mức dự trữ, hệ thống kho, công nghệ bảo quản các mặt hàng DTQG trong lĩnh vực an ninh trong giai đoạn mới....

Bộ Công an cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các thông tư hướng dẫn các hoạt động DTQG về kế hoạch và dự toán NSNN chi cho DTQG; mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG...

Bên cạnh đó, nguồn lực DTQG ngành an ninh được quan tâm, bố trí đầy đủ, kịp thời, tăng dần hàng năm. Hàng năm, dự toán Bộ Công an đề xuất được NSNN bố trí đầy đủ, đáp ứng nhu cầu mua sắm các trang thiết bị đưa vào DTQG để chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc bố trí NSNN chi cho DTQG lĩnh vực an ninh trong những năm vừa qua luôn được quan tâm, bố trí tăng cao hơn mức tăng bình quân của toàn ngành, theo đúng định hướng chiến lược đề ra.

Tổng mức DTQG lĩnh vực an ninh đã được tăng cường và củng cố. Tính đến hết năm 2022, tổng mức DTQG lĩnh vực an ninh đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15 - 20% tổng mức DTQG, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ưu tiên mua sắm những mặt hàng dự trữ chiến lược

Bên cạnh các kết quả nêu trên, Thiếu tướng Phạm Trường Giang cũng cho biết, hiện nay kho DTQG tại Bộ Công an cơ bản đáp ứng được yêu cầu DTQG. Tuy nhiên, thời gian lưu kho của các loại hàng hóa lâu, mức chi phí bảo quản còn thấp nên dẫn đến tình trạng một số mặt hàng DTQG bị ảnh hưởng. Một số kho được xây dựng và đưa vào sử dụng đã lâu, xảy ra tình trạng xuống cấp.

Vì vậy, để công tác DTQG lĩnh vực an ninh phát huy vai trò tốt hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới, cần giải quyết các tồn tại hiện nay, triển khai các giải pháp cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, tăng cường lực lượng DTQG lĩnh vực an ninh theo hướng tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, dự toán NSNN 5 năm và hàng năm; trong đó ưu tiên mua sắm những mặt hàng chiến lược, tiên tiến, hiện đại, có tính năng, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG nói chung và trong lĩnh vực an ninh nói riêng; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong hoạt động DTQG lĩnh vực an ninh làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành.

Ngoài ra, DTQG ngành an ninh đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG lĩnh vực an ninh với công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại theo hướng cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài thời hạn bảo quản hàng DTQG; phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) từng bước xây dựng hệ thống thông tin thống nhất trong toàn ngành DTNN, đảm bảo cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi hoạt động DTQG.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm trang thiết bị đưa vào dự trữ quốc gia

Tổng mức dự trữ quốc gia (DTQG) lĩnh vực an ninh đã được tăng cường và củng cố. Tính đến hết năm 2022, tổng mức DTQG lĩnh vực an ninh đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15 - 20% tổng mức DTQG, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.