Tăng trưởng quý I tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Bà đánh giá thế nào về kết quả tăng trưởng GDP quý I năm 2024?

Tăng trưởng quý I tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024
Bà Nguyễn Thị Hương

Bà Nguyễn Thị Hương: Con số tăng trưởng 5,66% của quý I là hết sức tích cực. So với quý I của các năm từ năm 2020 đến nay, đây là con số cao nhất. Điều này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam từng bước phục hồi, vượt qua đại dịch, cũng như những khó khăn chung của kinh tế thế giới trong hơn bốn năm qua.

Đây cũng là con số vượt trên ngưỡng kịch bản tăng trưởng cao mà chúng ta xây dựng cuối năm 2023, khẳng định bước khởi đầu rất tích cực cho năm 2024. Kết quả này cũng cho thấy các chính sách cũng như triển khai thực hiện chính sách của trung ương, địa phương đã đi đúng hướng. Không chỉ theo con số tăng trưởng, mà kể cả các chỉ tiêu về CPI, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng đã khẳng định điều đó.

PV: Những lĩnh vực nào đóng góp tích cực nhất cho kết quả của quý I này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trước hết phải đề cập đến phía cầu, đó là xuất khẩu quý I năm nay ước tính tăng là 15,5% với mức xuất siêu rất ấn tượng là 8,08 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Thứ hai là thu hút đầu tư nước ngoài. Liên tục trong những năm qua, mặc dù là dòng vốn đầu tư trên thế giới bị thu hẹp thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Không chỉ vốn đăng ký mới tăng mạnh mà vốn thực hiện cũng tăng đến 7,1%, đạt giá trị hơn 4,6 tỷ USD.

Đặc biệt, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng riêng ngành công nghệ chế biến chế tạo tăng trưởng gần 7%, điều không dễ dàng đạt được ở hầu hết các nước trên thế giới.

Một điểm nổi bật nữa là khách du lịch quốc tế quý I đạt 4,6 triệu lượt khách, tăng tới 72%, vượt qua mức của quý I/2019. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.

Đây là kết quả của việc ban hành và triển khai các chính sách đúng và trúng. Có thể kể đến như việc ban hành các chính sách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, bất cập về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; các chính sách miễn giãn giảm thuế; sửa đổi chính sách về thị thực… Từ đó đã góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tăng trưởng quý I tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024
Khách du lịch quốc tế quý I đạt 4,6 triệu lượt khách, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quý I/2024. Ảnh tư liệu

PV: Từ nay đến cuối năm, theo bà đâu là thách thức lớn nhất của nền kinh tế?

Bà Nguyễn Thị Hương: Chắc chắn là những khó khăn, thách thức hiện hữu trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Những lĩnh vực có kết nối lớn nhất là xuất khẩu, du lịch và vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp cho các quý còn lại của năm.

Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước cũng cho thấy có sự giảm sút. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mặc dù đã đạt hơn 8,2% nhưng đây là con số không chưa đạt so với thời kỳ trước dịch.

Doanh nghiệp dự báo quý II khả quan hơn

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (45,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, 36,6% nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định), chỉ có 18,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khó khăn hơn quý I năm 2024.

Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I chỉ đạt 0,26%. Đây là con số có thể nói là thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Như vậy những khó khăn về hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng như sự dịch chuyển dòng vốn từ người cho vay đến người sản xuất là vấn đề cần phải được quan tâm, từ đó khơi thông dòng vốn cho sản xuất.

Khả năng hấp thụ vốn yếu không phải là chỉ tiêu duy nhất phản ánh khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Nhìn vào các con số về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy các doanh nghiệp đang rụt rè hơn khi tham gia vào thị trường. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác có thể nhìn nhận rằng đây là quá trình thanh lọc, cơ cấu lại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp yếu, khó phục hồi bị đào thải, những doanh nghiệp còn lại là những doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn, vững vàng hơn, vượt qua được khó khăn thì họ sẽ phát triển tốt.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp là lực lượng tạo ra giá trị sản xuất lớn nhất cho nền kinh tế. Do đó, đòi hỏi chúng ta có các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ cho doanh nghiệp, không chỉ về chính sách thuế, phí, mà phải cả các chính sách về vốn, về thương mại, đầu tư…

PV: Để vượt qua những thách thức này và đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế trong những quý còn lại, đâu là động lực mà chúng ta cần thúc đẩy, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Như tôi đã nói, chúng ta phải quan tâm đến các chính sách, không chỉ từ phía cầu mà cả ở phía cung, đó chính là các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người sản xuất, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó thì phải luôn thúc đẩy cho được “cỗ xe tam mã” bao gồm tích lũy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, để “cỗ xe” này đi đúng hướng, hợp lực kéo nền kinh tế đi lên. Muốn vậy, phải luôn chú trọng phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giữ ổn định, đồng nhịp các cân đối lớn của nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hoàng Yến (thực hiện)