Hội thảo

Hội thảo "Phát triển bền vững: Từ lý thuyết đến thực tiễn". Ảnh: Bùi Tư

Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo “Phát triển bền vững: Từ lý thuyết đến thực tiễn”, do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 10/5.

Theo ông Phan Đăng Duy Anh- Cộng tác viên nghiên cứu Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR, ô nhiễm môi trường liên quan đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Quốc gia nào có GDP càng cao thì có lượng khí thải càng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Vì vậy, muốn phát triển bền vững phải kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Duy Anh nhấn mạnh đến tính bền vững của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay mà Việt Nam áp dụng đang phải đương đầu với tình trạng suy thoái của các tài sản dựa trên đất, cũng như ô nhiễm môi trường không khí và nước.

Với khát vọng tới năm 2035 trở thành một nước có thu nhập trung bình cao của thế giới, nếu Việt Nam vẫn áp dụng mô hình tăng trưởng cũ, sẽ dẫn đến làm suy giảm hơn nữa tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Chính vì vậy theo ông Duy Anh, thời điểm hiện nay là phù hợp để Việt Nam cần điều chỉnh con đường phát triển bền vững của mình, tiến tới tăng trưởng bền vững, hòa nhập và chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong đó, doanh nghiêp chính là động lực phát triển bền vững, vì doanh nghiệp có thể dễ dàng áp dụng các thay đổi sáng tạo mới về khoa học, công nghệ.

Còn theo ông Vũ Trung Kiên- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cam kết thực hiện tăng trưởng xanh. Để thực hiện được cam kết này, Việt Nam đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; rà soát, kiến nghị điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững./.

Bùi Tư