Thị trường chứng khoán: Phân tích rủi ro để tránh bỏ lỡ cơ hội đầu tư dài hạn

Tiềm năng tăng trưởng vẫn tích cực

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, trong những tháng cuối năm 2022, trước khả năng FED và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức kiểm soát, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng có thể phải đối mặt với một số thách thức, điển hình như: Làn sóng tăng lãi suất, áp lực lạm phát, chi phí doanh nghiệp gia tăng, căng thẳng địa chính trị vẫn còn,… Tất cả các yếu tố nêu trên có khả năng tác động đến dòng tiền và thanh khoản trên TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện UBCKNN cho rằng, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Cùng với sự tăng trưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc.

Thống kê cho thấy, trong số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) năm 2022, có 864/994 công ty báo cáo có lãi, chiếm 87%, bằng cùng kỳ năm 2021. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 582/647 công ty báo cáo có lãi, chiếm 90% số công ty đã thực hiện báo cáo. Tổng doanh thu thuần của nhóm các công ty 6 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5% so với cùng kỳ, vượt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 17,6%. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 77,5%.

Thách thức vẫn còn, nhưng thị trường nhiều cơ hội hồi phục
Biến động của chỉ số VN-Index theo các "sự cố" lớn liên quan tới một số ngân hàng. Nguồn: ABS

Ngoài ra, so sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, nhìn về dài hạn, kỳ vọng rằng biên độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ chậm lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Sau đó, tình hình có thể sẽ bớt căng thẳng hơn, lạm phát sẽ giảm rõ từ đầu năm 2023 trên toàn cầu, khi đó áp lực lên chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng giảm bớt. Việt Nam khả năng cao sẽ thành công trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô so với những biến động lớn của các nước khác trong khu vực và thế giới. Sau một năm 2022 “sóng gió”, năm 2023 có thể sẽ là năm của cơ hội nhiều hơn là rủi ro.

Cơ hội sẽ được “sàng lọc” từ kết quả kinh doanh quý III

Sau chuỗi phiên giảm điểm sâu do tác động của nhiều thông tin không tích cực, mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống mức rất thấp. Mặc dù hiện rất khó để dự báo cho xu hướng của thị trường ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia đang kỳ vọng các thông tin về kết quả kinh doanh (KQKD) quý III sẽ nhen nhóm cho việc thu hút dòng tiền trở lại thị trường.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay, GDP quý III/2022 đã tăng trưởng cao hơn 13% so với nền thấp của quý III/2021, điều này cho thấy kinh tế Việt Nam cũng đang hồi phục tích cực. Trong điều kiện đó, nhiều khả năng là KQKD quý III/2022 của doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng cũng sẽ hồi phục tốt so với cùng kỳ.

So sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.

“Chúng ta có thể kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết quý III vẫn ở mức trên 25%. Với việc thị trường đã giảm sâu và mùa báo cáo KQKD sắp tới đã cận kề thì rất có thể KQKD quý III sẽ là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút dòng tiền trở lại thị trường. Trong điều kiện mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm sâu, nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn thì sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trong đầu tư trung và dài hạn” – ông Đỗ Bảo Ngọc phân tích.

Ông Đỗ Bảo Ngọc dự báo, những nhóm ngành duy trì được sự ổn định, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III và 9 tháng năm 2022, đồng thời đã có mức chiết khấu giá đủ sâu sẽ là điểm đến của dòng tiền trong giai đoạn sắp tới, như: Công nghệ, điện, hóa chất, thực phẩm, ngân hàng và bán lẻ,…

Các chuyên gia của SSI Research cũng vừa có báo cáo ước tính KQKD quý III/2022 của 26 công ty, trong đó hầu hết các đơn vị dẫn đầu ngành bán lẻ, phân bón, ngân hàng, dầu khí và cảng biển đều tăng trưởng lợi nhuận dương.

* VNDIRECT Research: Cổ phiếu, trái phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Các chuyên gia của VNDIRECT Research cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay, cổ phiếu hay trái phiếu vẫn là kênh "trú ẩn lạm phát" tốt nhất với điều kiện đó phải là cổ phiếu và trái phiếu của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh và phát triển bền vững, có chất lượng tài sản sinh lời ổn định ở hiện tại và tương lai. Có thể một số doanh nghiệp năm nay sẽ không đạt kỳ vọng về lợi nhuận như những năm trước, nhưng đó là điều không ngạc nhiên, khi tất cả các kênh tài sản đều khó có khả năng sinh lời trong điều kiện thị trường khó khăn hiện tại. So với bất động sản đầu tư với các mức định giá theo khả năng sinh lời và thời gian hoàn vốn phải lên tới vài chục năm, thì kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu, điều này đúng với nhiều thị trường phát triển, không chỉ riêng ở Việt Nam.

* Ông Nguyễn Văn Phương – Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS): Nhà đầu tư cần bình tĩnh xử lý tình huống, tránh hoảng loạn

Theo thống kê từ ABS, trong 7 lần xuất hiện các “sự kiện” về các ngân hàng, thị trường thường có phản ứng tiêu cực trong 3 - 5 phiên đầu tiên khi thông tin được đưa ra. Sau đó, thị trường sẽ tiếp tục vận động theo xu hướng trước đó. Tính trung bình, VN-Index hồi phục khoảng 13,25% trong vòng 1 năm sau khi tin tức được đưa ra và nhóm ngân hàng tăng trở lại trong 5/7 lần. Vì vậy, nhà đầu tư nên bình tĩnh xử lý tình huống, tránh tâm lý hoảng loạn.

Trong cả 7 lần, thị trường đều có sự hồi phục trong vòng 1 năm sau đó. ABS cho rằng các thông tin chỉ tác động trong thời gian ngắn lên tâm lý của thị trường, về dài hạn thị trường vẫn tiếp tục vận động theo xu hướng chính trước đó. Điển hình, vụ việc tại VNCB được công bố năm 2014, thị trường chỉ phản ứng trong 1 phiên và sau đó tăng tiếp 8,2% trước khi đạt đỉnh. Với xu hướng giảm trong năm 2012 khi liên quan đến vụ việc tại ACB được đưa ra, thị trường phản ứng khá tiêu cực và giảm đến 12% trong 3 tháng tiếp trước khi tạo đáy và hồi tăng ngược lại 15,44% trong 1 năm sau đó.

* Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CSI: Mặt bằng giá đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Ở giai đoạn này tôi nhận thấy kỳ vọng của nhà đầu tư thấp, thay vào đó là tâm lý lo ngại rủi ro nên thị trường đã giảm khá sâu trong khoảng thời gian chỉ hơn 1 tháng. Thông thường mỗi khi thị trường điều chỉnh giảm thì sẽ mất thời gian để thị trường tìm tới điểm cân bằng mới. Tại vùng hỗ trợ mới cần sức cầu đủ lớn để hấp thụ hết lượng cung thấp, tạo ra tương quan cung - cầu cân bằng hơn. Đến khi đó, cơ hội sẽ xuất hiện ở những cổ phiếu tốt bị giảm chung cùng thị trường và có mức giá chiếu khấu sâu so với giá trị nội tại của công ty đó.

Thường thì các nhà đầu tư dài hạn sẽ rất ưa thích mỗi khi thị trường tạo ra các cơ hội mua rẻ cổ phiếu tốt như vậy. Còn về điểm cân bằng mới của VN-Index trong giai đoạn này thì có thể sẽ nằm trong vùng 950 – 1.000 điểm, nghĩa là chúng ta có thể đã ở rất gần vùng hỗ trợ mạnh.