Tập trung mọi giải pháp vận hành ổn định thị trường

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã giảm điểm mạnh trong tháng 9 và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tháng 10, khi nhà đầu tư lo ngại trước những thông tin kém lạc quan về tình hình vĩ mô thế giới. Điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát, khiến cho các ngân hàng trung ương buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn. Cùng với đó, đối với tình hình trong nước, việc tăng lãi suất cũng đã trực tiếp tác động lên TTCK.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực được duy trì.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực được duy trì.

Theo các chuyên gia phân tích TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên TTCK quốc tế. Việc điều chỉnh tăng lãi suất trên thế giới và Việt Nam đã có tác động trực tiếp tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước, khiến thị trường biến động theo chiều hướng giảm cả điểm số lẫn thanh khoản. Đóng cửa phiên giao dịch dịch ngày 11/10, chỉ số VN-Index giảm mạnh về mức 1.006,20 điểm. Trên thực tế, trong phiên, có thời điểm VN-Index đã để mất mốc 1.000 điểm. Thanh khoản của thị trường cũng không có nhiều cải thiện rõ rệt khi dòng tiền co cụm lại vì rủi ro vẫn hiện hữu.

Ngoài ra, quan sát trên thị trường cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư đang chịu tác động bởi một số thông tin về các sự việc liên quan tới sai phạm cá nhân và doanh nghiệp cụ thể trên thị trường, trong đó có các thông tin liên quan tới trường hợp sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư

Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Chúng tôi thấy rằng, với nền kinh tế vĩ mô phát triển thì thị trường tài chính của chúng ta vẫn là một thị trường tốt.

Vừa rồi có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Một số doanh nghiệp chứng khoán sai phạm trong cung cấp dịch vụ cũng bị xử lý. Chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư vẫn phải là các nhà phát hành.

Đối với các công ty chứng khoán, khi cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã phối hợp để làm việc với các nhà phát hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thông tin về điều này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đây vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể trên thị trường và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các cơ quan liên quan đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của TTCK; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

"Vì thế, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên TTCK để ra quyết định đầu tư hiệu quả" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Rà soát tổng thể các quy định để khắc phục những bất cập, vướng mắc

Bên cạnh việc đảm bảo TTCK trong nước vận hành an toàn, ổn định, thông tin từ UBCKNN cho biết, hiện nay, cơ quan quản lý đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường.

Nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ chiến dịch thúc đẩy tính minh bạch của thị trường

Theo Báo cáo nhanh của Dragon Capital sau sự kiện liên quan đến Tạp đoàn Vạn Thịnh Phát, các nhà đầu tư cuối cùng sẽ được hưởng lợi từ chiến dịch thúc đẩy tính minh bạch, thể chế hóa và tính chuyên nghiệp, để từ đó mở ra một giai đoạn phát triển kế tiếp cho thị trường. Dragon Capital cho biết, từ tháng 3/2022, Chính phủ đã thi hành các biện pháp nhằm chấn chỉnh thị trường trái phiếu, tập trung vào việc giải quyết một số vấn đề quan trọng bao gồm giao dịch nội gián, phát hành riêng lẻ và gần đây nhất là bảo vệ các nhà đầu tư.

Đối với hệ thống công nghệ thông tin KRX, hiện các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện để đưa vào vận hành. Cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường, sẽ tăng cường tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn.

Bên cạnh đó, UBCKNN đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra; đồng thời đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian trên TTCK thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường.