Thành công giao dịch tín chỉ carbon - huy động nguồn tài chính mới
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Phương Anh

PV: Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại carbon rừng tại Việt Nam?

Thành công giao dịch tín chỉ carbon - huy động nguồn tài chính mới
TS.Tô Xuân Phúc

TS. Tô Xuân Phúc: Thành công trong giao dịch tín chỉ carbon vừa qua cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trong tương lai, để huy động một nguồn tài chính mới thông qua sự vận hành của thị trường carbon lâm nghiệp.

Điều cần chú ý ở đây là lượng tín chỉ đề cập ở trên được tạo ra từ các diện tích rừng tự nhiên ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ hiện đang được quản lý bởi các công ty lâm nghiệp nhà nước. Ngoài các diện tích rừng này, Việt Nam còn có các diện tích rừng khác (tổng diện tích rừng của Việt Nam là trên 14,3 triệu ha). Đây là các diện tích rừng có tiềm năng trong việc tạo ra tín chỉ carbon và nguồn tài chính mới từ loại hình tín chỉ này.

Đã phân bổ 80% số tiền phát thải carbon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), đến nay, Việt Nam đã nhận đủ khoản chi trả 51,5 triệu USD, tương đương gần 1.200 tỷ đồng từ việc việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. Đồng thời đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và sau 1 - 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền cho địa phương. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này. Đối tượng được hưởng lợi chính là các cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân giữ rừng…

PV: Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới khá sôi động. Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ông có bình luận gì về điều này?

TS.Tô Xuân Phúc: Nguồn thu từ tín chỉ carbon chỉ có thể được tạo ra khi có sự vận hành của thị trường carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon mà Chính phủ đang thiết lập chính là sự vận hành của thị trường này. Cũng giống như bất cứ một thị trường hàng hóa nào khác, vận hành của sàn giao dịch carbon trong thời gian tới bao gồm các khía cạnh sau:

Hàng hóa, dịch vụ giao dịch là tín chỉ carbon. Một số khía cạnh cần quan tâm đó là: Dịch vụ này có chất lượng thế nào? Ai là người đánh giá chất lượng? Ai là người công nhận kết quả đánh giá?… Nghị định 06 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, quy định về cơ quan thẩm định và xác nhận tín chỉ carbon; xây dựng năng lực và huy động đủ nguồn lực cho các cơ quan này thực hiện các hoạt động một các hiệu quả đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự vận hành của thị trường.

Tiếp đến là chất lượng của hàng hóa. Hàng hóa ở đây là tín chỉ carbon. Điều cần lưu ý ở đây là tín chỉ carbon không chỉ có một loại mà đa dạng. Hàng hóa - là tín chỉ carbon, có thể được tạo ra từ nhiều loại hình dự án khác nhau, ví dụ từ các dự án lâm nghiệp và sử dụng đất, từ các dự án năng lượng, các dự án xử lý rác thải… Carbon được tạo ra từ các dự án khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau. Điều này cũng có nghĩa các cơ quan đánh giá và công nhận chất lượng cũng cần có chuyên môn đa dạng để thực hiện việc đánh giá và công nhận các bon từ các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Giá cả của hàng hóa. Tín chỉ các bon được hình thành từ các dự án khác nhau, từ các lĩnh vực khác nhau sẽ có mức giá cả khác nhau. Giá của carbon phụ thuộc vào mức độ khó/dễ trong việc thiết lập và vận hành dự án. Trong quá trình thực hiện các dự án, một số chủ dự án thường cố gắng kết hợp các lợi ích khác cùng với tín chỉ carbon, ví dụ các lợi ích về xã hội, cộng đồng, đa dạng sinh học… Càng nhiều giá trị về đồng lợi ích đính kèm, giá của carbon càng cao.

Các thiết chế giám sát trao đổi. Nhà nước đóng vai trò là cơ quan quản lý thực hiện việc giám sát các giao dịch giữa người mua - là các cơ sở có mức phát thải cao và người bán - là các chủ dự án với nguồn hàng hóa là tín chỉ carbon. Các chính sách mới cần được ban hảnh để đảm bảo việc quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có các chính sách mới quy định các khía cạnh như thuế, phí… liên quan tới các giao dịch này.

Một điều cần lưu ý ở đây là sàn giao dịch tín chỉ carbon đang được Chính phủ xây dựng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc giao dịch carbon, trong khuôn khổ thị trường carbon bắt buộc. Bên cạnh loại hình thị trường này còn có thị trường carbon tự nguyện, được vận hành theo nguyên tắc các bên mua và bán, có thể bao gồm cả người mua quốc tế, tự mua bán nguồn tín chỉ carbon được hình thành dựa trên các dự án đầu tư thực hiện. Thị trường tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn carbon khác nhau, được các tổ chức quốc tế đưa ra. Mức giá carbon tại thị trường tự nguyện cũng rất khác nhau.

PV: Việc triển khai thị trường carbon đóng góp vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam?

TS. Tô Xuân Phúc: Triển khai thị trường carbon có vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải trong tương lai. Thị trường này cho phép các cơ sở có mức phát thải cao sau khi đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải của mình mua lại nguồn tín chỉ carbon từ các đơn vị có mức phát thải thấp, hoặc từ các dự án đầu tư vào tạo nguồn tín chỉ carbon.

Nghị định 06 có quy định các cơ sở phát thải cao sẽ được Chính phủ giao nguồn hạn mức phát thải hàng năm (quota phát thải) và chỉ được phép mua lại một phần nhất định của lượng phát thải (hiện Chính phủ đang thảo luận về con số 10 - 15%). Cơ chế này có 2 vai trò - bắt buộc các cơ sở có mức phát thải cao giảm phát thải và cho phép các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư của mình vào tạo nguồn tín chỉ carbon. Mục tiêu kép này sẽ góp phần giúp Chính phủ thực hiện cam kết net-zero trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đấu giá carbon sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với mức giá tốt nhất

Là quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về hơn 50 triệu USD. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán "mặt hàng" này, Việt Nam đã lọt top 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này với dự kiến thu về 200 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng.

Hiện lượng giảm phát thải thuộc giai đoạn 2018-2019 còn dư 4,91 triệu tấn CO2, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ kết nối, giới thiệu các đối tác tiềm năng mua theo phương thức đã thực hiện tại ERPA (Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) hoặc thực hiện theo phương án đấu giá thí điểm trên sàn giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Tô Xuân Phúc, đấu giá lượng các bon là một phương thức mới, cho phép Việt Nam tiếp cận với mức giá tốt nhất đối với hàng hóa các bon của mình.

Thực hiện hình thức này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với các nguồn thông tin tốt hơn, có cách nhìn đa chiều hơn về thị trường các bon. Ở một số khía cạnh nào đó, thực hiện đấu giá cũng cho phép Việt Nam định vị được năng lực tham gia thị trường của mình, từ đó có những hoạt động xây dựng năng lực và thông tin thị trường trong tương lai.