PV: Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn Luật đã có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức Thanh tra tài chính. Xin ông cho biết, Thanh tra Bộ Tài chính đã có những bước chuẩn bị như thế nào để triển khai nhiệm vụ theo các quy định mới này?

Ông Lê Viết Thắng: Sau khi Nghị định số 03/2024/NĐ-CP (Nghị định 03) của Chính phủ ban hành, Thanh tra Bộ Tài chính đã tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức nhiều hội nghị để triển khai Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn Luật. Đặc biệt, trong 2 ngày 25-26/3 vừa qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho các đơn vị thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN).

Đến nay, Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ ban hành Quyết định kế hoạch thanh tra năm 2024 giao Thanh tra Bộ; Cục Quản lý giám sat bảo hiểm; 5 tổng cục và các cục thuộc 4 tổng cục.

Cũng trong năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục vai trò đầu mối tiếp nhận, tham mưu trình Bộ ban hành các quyết định điều chỉnh kế hoạch thannh tra năm 2024 (nếu có).

Đối với các đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN giữ nguyên theo Luật Thanh tra năm 2010, đã được ban hành kế hoạch thanh tra năm 2024, chúng tôi đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu, áp dụng các quy định mới của Luật Thanh tra, nghị định hướng dẫn, triển khai để hoàn thành kế hoạch được giao.

Thanh tra ngành Tài chính sẵn sàng với nhiệm vụ mới
Cơ quan thanh tra được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sẵn sàng áp dụng quy định mới. Ảnh minh họa

Đối với các đơn vị thuộc Bộ có thay đổi tại Luật Thanh tra năm 2022 (như Thanh tra KBNN, Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước, 4 cục thuộc Bộ mới được giao chức năng TTCN), chúng tôi đề nghị đơn vị chủ động, khẩn trương rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; cử cán bộ, công chức tham gia đào tạo, tập huấn để chuyển ngạch thanh tra viên, hoặc giao thực hiện chức năng TTCN, đáp ứng yêu cầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn thanh tra (nếu có) theo quy định.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính đã tích cực trao đổi, phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra để làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ cử cán bộ, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng về công tác thanh tra.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch phát động thi đua tìm hiểu Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43 và Nghị định 03. Tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong nội bộ Thanh tra Bộ Tài chính và với các đơn vị thuộc Bộ về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra để tăng cường, nâng cao chất lượng các đoàn thanh tra tài chính.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, đề nghị các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ban cán sự Đảng Bộ về việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thanh tra.

PV: Kế hoạch tiếp theo của Thanh tra Bộ Tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Thanh năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn là gì, thưa ông?

Thanh tra ngành Tài chính sẵn sàng với nhiệm vụ mới

Ông Lê Viết Thắng: Trong thời gian tiếp theo, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động tham mưu, giúp Bộ trong việc triển khai công tác thanh tra toàn ngành Tài chính. Đồng thời chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) tài chính theo kế hoạch năm 2024 được duyệt; triển khai kịp thời các cuộc TTKT tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ...

Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính như: Tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát với các công ty bảo hiểm; quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; phân tích rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử thông qua việc triển khai hóa đơn điện tử, chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTKT, Thanh tra Bộ cũng sẽ thường xuyên phối hợp, trao đổi nghiệp vụ thanh tra với các đơn vị. Trong trường hợp cần thiết khi thành lập đoàn thanh tra có thể trưng tập thêm một số thành viên khác thuộc 4 cục thuộc Bộ mới được bổ sung giao thực hiện chức năng TTCN.

Thêm 4 đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành Tài chính
Thông qua hoạt động TTCN đã giúp thủ trưởng các cơ quan nhà nước kiểm soát, giám sát chặt chẽ trên từng lĩnh vực được giao.

PV: Ông có kỳ vọng như thế nào vào công tác TTKT thời gian tới khi Nghị định 03 đi vào cuộc sống cùng với Luật Thanh tra năm 2022?

Ông Lê Viết Thắng: Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành đã hoàn thiện khung pháp lý đối với công tác TTKT.

Đặc biệt, thông qua hoạt động TTCN đã giúp thủ trưởng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát, giám sát chặt chẽ theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, cũng như quy định về chuyên môn và quy tắc quản lý trên ngành, lĩnh vực được giao. Các cơ quan quản lý được giao thực hiện chức năng thanh tra sẽ căn cứ vào kết quả thanh tra để tăng cường quản lý, xây dựng chế độ chính sách kịp thời, bám sát thực tế đời sống xã hội.

Tránh chồng chéo, trùng lặp khi thanh tra

Về phía Bộ Tài chính, với việc nâng lên 11 đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN đã góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác thanh tra.

Đồng thời, với các quy định cụ thể trong Luật và Nghị định đã tránh được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ngay từ khi xây dựng kế hoạch đến khi tiến hành thanh tra.

Với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng TTCN từ trung ương đến địa phương đã góp phần đẩy mạnh thanh tra một số lĩnh vực xã hội quan tâm trong từng thời kỳ như: Tăng cường thu ngân sách trong giai đoạn nguồn thu NSNN thiếu hụt; doanh nghiệp đầu tư xây dựng BOT, BT; doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu, chuyển nhượng dự án; doanh nghiệp có giao dịch liên kết tỷ trọng lớn; TTKT hoàn thuế GTGT 100% đối với các đối tượng thuộc loại rủi ro; TTKT thuế đối với các đối tượng ở các ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh doanh vận tải Grab, Uber, bán hàng đa cấp, kinh doanh game); thanh tra các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán...

Ngoài ra, với việc yêu cầu các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra... sẽ là những quy định giúp cho công tác TTKT tới đây ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai thực hiện giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của các Kết luận thanh tra.

Với những quy định rất rõ ràng và chặt chẽ, tôi cho rằng, Nghị định 03 và Luật Thanh tra năm 2022 sẽ là công cụ đắc lực giúp cho công tác TTKT của từng đơn vị có chức năng thanh tra và từng đơn vị thực hiện chức năng TTCN trong ngành tài chính được tốt hơn. Và từ công tác TTKT này sẽ giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vân Hà (thực hiện)