Nhiều địa phương chuẩn bị hàng hóa cung ứng dịp Tết 2023

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa gia tăng, đặc biệt là trong tháng 11/2022 doanh thu bán hàng của toàn thị trường tăng mạnh.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, đến thời điểm hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, ngành Công thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu. Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ phục vụ người tiêu dùng mua sắm dịp Tết 2023.
Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ phục vụ người tiêu dùng mua sắm dịp Tết 2023.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất mặt hàng phục vụ tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố cho khoảng 10,75 triệu người đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện tết năm 2022).

Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương cho biết, để cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp tết, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị số lượng hàng lương thực, thực phẩm dự kiến gần 40.000 tấn.

Để bảo đảm nguồn hàng tết, trong tháng 10 và tháng 11 Sở Công thương cùng các sở ngành đôn đốc các DN bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng để thu mua, dự trữ đúng tiến độ. Đồng thời, vận động các DN sản xuất phối hợp hệ thống phân phối trên địa bàn để thực hiện việc chia sẻ chiết khấu, chiết khấu ưu đãi để không có áp lực về giá khi đến tay người dùng.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu dùng của nền kinh tế sôi động trở lại, nhưng điểm sáng được các chuyên gia kinh tế ghi nhận là kinh tế vĩ mô của Việt Nam mặc dù có nhiều thách thức nhưng vẫn ổn định và tăng trưởng trong năm 2022, lạm phát được kiểm soát tăng dưới 4%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,38%, so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong số 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm 0,63% (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,07% (làm CPI giảm 0,02 điểm phần trăm), nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Bình luận về kết quả trên, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng lạm phát được kiểm soát, điều này phản ánh thực tế sự hồi phục của thị trường và thể hiện sự bình ổn trên thị trường suốt từ đầu năm đến nay. Như vậy, có thể thấy vẫn còn khá nhiều dư địa cho việc kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% cho cả năm 2022.

Tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi găm hàng tăng giá

Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố sẽ theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, DN; đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm thẩm lậu vào thị trường trong nước.

“Kết quả CPI nói trên cho phép đánh giá việc xác định mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát là đúng đắn và thực tế đã thể hiện sự thành công trong điều hành giá, thị trường; tạo điều kiện để ổn định giá trên diện rộng và kiềm giữ đà tăng giá” - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lạm phát được kiểm soát đúng mục tiêu đề ra trong năm 2022 là do Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã nhận thức được nguyên nhân gây ra lạm phát của nền kinh tế là do giá thế giới tác động, đặc biệt là giá xăng dầu.

Chính vì vậy từ giữa năm 2022, Chính phủ và các bộ, ngành mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp để làm sao có thể kiểm soát được giá xăng dầu. Trong đó, nhiều giải pháp tích cực đã được thực hiện như Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định cắt giảm 50% thuế bảo vệ môi trường; dùng quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu trong nước nhằm đảm bảo không tăng cao như giá xăng dầu thế giới.

Không chủ quan với tình hình kiểm soát lạm phát trong tháng cuối năm 2022, theo các chuyên gia kinh tế việc kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu quan trọng cho cả năm 2023, không thể lơ là. Do đó, các bộ, ngành mà trực tiếp là Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát, cảnh báo nguy cơ và kiểm soát lạm phát; nhận định mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, không gây đứt gãy nguồn cung, gắn với theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến cung - cầu xăng dầu…

* Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương:

Rộng mở cơ hội kích cầu tiêu dùng

Thương mại điện tử sẽ được ngành Công thương đẩy mạnh tại các tỉnh, thành, các hiệp hội ngành hàng trong dịp cuối năm 2022, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo chủ trương của Chính phủ. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp địa phương có thêm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử, mở rộng thị trường cũng như được tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm qua môi trường trực tuyến…

* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính:

Dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức

Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, các giải pháp được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai hiệu quả từ đầu năm đến nay giúp cho kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng 7,5% và thậm chí cao hơn, lạm phát được kiềm chế dưới 4% đúng như mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Tuy nhiên năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi: nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng… sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế. Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp…/.