Thủ tướng chỉ đạo điều hành thị trường tiền tệ

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ thị trường tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra tuần qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến, chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách tiền tệ, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thực chất, hiệu quả.

Ý nghĩa quan trọng của năm 2024

Thủ tướng cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Sau hội nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp thu các ý kiến, trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngắn gọn với thông điệp, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, tập trung các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, đánh giá, kiểm tra, dễ tuyên truyền.

Thủ tướng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động. Lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao.

Theo đó, ngành Ngân hàng cần theo dõi sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, có phản ứng chính sách ứng phó linh hoạt với biến động thị trường quốc tế, trong nước, góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thị trường mở tái hoạt động, giá vàng vẫn trồi sụt khó lường
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phát hành tín phiếu trên thị trường mở. Ảnh: T.L
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lại quay đầu giảm xuống dưới 1% Lãi suất cao của Mỹ làm trầm trọng hơn khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển

Dấu ấn hợp tác với ADB

Tuần qua, NHNN và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có những hoạt động ghi nhận dấu ấn 30 năm hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và ADB, đồng thời mở ra một chương mới trong giai đoạn tiếp theo.

Trong 30 năm qua, tổng qui mô tài trợ của ADB lên tới 18 tỷ USD cho gần 600 chương trình, dự án gồm cả khu vực công và tư nhân đã tạo ra những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả lớn trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng đô thị...

ADB đã tư vấn có hiệu quả cho việc thực hiện chính sách tiền tệ của Việt Nam

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách cho NHNN, các chương trình vay vốn, tài trợ thương mại tới ngân hàng thương mại đã góp phần hỗ trợ, củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng an toàn, lành mạnh, phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất.

Các hỗ trợ tiêu biểu của ADB trong giai đoạn này có thể kể đến như nguồn tài trợ lớn nhất hơn 6 tỷ USD cho lĩnh vực giao thông, khoản vay trị giá 630 triệu USD cho Quỹ Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản trị doanh nghiệp năm 2009, khoản vay chính sách đầu tiên trị giá 100 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2004… Đây cũng là những minh chứng cụ thể cho sự hỗ trợ hiệu quả của ADB.

Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa cũng cho biết, ADB cam kết thực hiện vai trò Ngân hàng Khí hậu của Châu Á, qua đó tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho các nước thành viên.

Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua thị trường mở

Một diễn biến đáng chú ý khác diễn ra tuần qua là động thái hút tiền qua phát hành tín phiếu của NHNN trên thị trường mở. Đợt phát hành tín phiếu bắt đầu diễn ra hôm 11/3 và kéo dài liên tục các ngày trong tuần và mỗi phiên lượng tín phiếu bán ra đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn trung bình 28 ngày và lãi suất khoảng 1,4%.

Động thái hút tiền của NHNN đã khiến cho thị trường chứng khoán có một số thời điểm sụt giảm do một số nhà đầu tư liên tưởng đến đợt hút tiền diễn ra hồi tháng 9/2023. Khi đó, NHNN thực hiện đợt bán tín phiếu kéo dài 1,5 tháng và thị trường chứng khoán cũng chứng kiến một đợt suy giảm rất mạnh từ mốc gần 1.250 điểm xuống thời điểm giữa tháng 9/2023 xuống dưới 1.030 điểm vào cuối tháng 10/2023.

Mặc dù vậy, diễn biến thị trường chứng khoán đến ngày 15/3 cho thấy những diễn biến khác khi VN-Index chỉ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 11/3, rồi sau đó phục hồi và thậm chí phiên bật tăng rất mạnh vào phiên hôm thứ tư 13/3, sau đó duy trì trạng thái ổn định trong những phiên còn lại trong tuần.

Về diễn biến tỷ giá, trong giai đoạn bán tín phiếu, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm vào đầu tuần và tăng trở lại vào những phiên cuối tuần, đến cuối tuần là 23.979 đồng/USD, cao hơn 7 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần.

Thị trường mở tái hoạt động, giá vàng vẫn trồi sụt khó lường
Gía vàng miếng giảm vào giữa tuần nhưng lại tăng vào cuối tuần. Ảnh: T.L

Giá vàng trồi sụt khó lường

Giá vàng tuần qua vẫn tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư và sức nóng từ tuần trước tiếp tục tăng nhiệt trong hôm thứ hai đầu tuần 11/3 khi vàng miếng SJC 9999 đạt mốc 12,3 triệu đồng bán ra còn vàng nhẫn SJC 9999 lập đỉnh mới với giá 71,25 triệu đồng/lượng bán ra.

Tuy nhiên, giá vàng thời điểm giữa tuần đã điều chỉnh giảm mạnh và có thời điểm, mỗi lượng vàng đã sụt giảm tới 2,5 triệu đồng/lượng so với hôm đầu tuần. Tiếp đó, biến động giá vàng vẫn cho thấy thị trường này còn nhiều kịch tính khi vàng miếng phục hồi trở lại vào cuối tuần. Đến chiều ngày 15/3, giá vàng miếng SJC 9999 bán ra ở mức 81,7 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn SJC 9999 bán ra là gần 69 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường thế giới, giá vàng đạt đỉnh thời điểm đầu tuần khi vượt qua mốc 2.180 USD/ounce, nhưng sau đó điều chỉnh giảm mạnh thời điểm giữa tuần về mặt bằng 2.150 USD/ounce, trước khi phục hồi trở lại ở mức khoảng 2.165 USD/ounce vào chiều ngày 15/3 theo giờ Việt Nam.