chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với thị trường cổ phiếu đã được thị trường phản ánh thời gian qua khi dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 được công bố trước đó. Mức độ rủi ro và ảnh hưởng đối với thị trường là không đáng lo ngại, thậm chí một số ngành sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Dòng tiền có thể hạn chế, nhưng không đáng ngại
Không “ồn ào” như Thông tư 36 và dự thảo sửa đổi, bổ sung trước đó, Thông tư 06 được ban hành có phần “bình lặng” hơn nhiều. Theo đó, Thông tư 06 đã được thị trường đón nhận với tâm lý tích cực bởi nhiều quy định tại dự thảo trước đó đã điều chỉnh một cách “dễ thở” hơn, dù rằng so với Thông tư 36 vẫn là thắt chặt.
Một số nhận định cho rằng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán có thể giảm khi Thông tư 06 có hiệu lực. Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ buộc các ngân hàng phải cân đối lại kỳ hạn tiền gửi và cho vay của mình thông qua: Thu hút nguồn vốn tiền gửi kỳ hạn dài (tăng cầu nguồn vốn dài hạn); hoặc giảm cho vay trung và dài hạn (giảm cung cho vay trung và dài hạn). Hai cách này đều có hiệu ứng làm tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường. Do đó, theo lý thuyết, lãi suất tăng sẽ làm giảm mức hấp dẫn của tỷ suất sinh lợi của các khoản đầu tư chứng khoán, nên có thể tác động tiêu cực đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, Thông tư 06 đã bổ sung “cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng ủy thác cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh cổ phiếu” thuộc đối tượng quy định về “cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”. Việc bổ sung thêm đối tượng tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ co hẹp lại tổng dư nợ tín dụng đối với 8 nhóm đối tượng thuộc tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu theo quy định tại Thông tư 36. Điều này cũng được nhận định là có thể làm giảm dòng tiền vào thị trường cổ phiếu.
Đánh giá về tác động của Thông tư 06, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán có thể sẽ hạn chế hơn, tuy nhiên, tác động của Thông tư này đối với thị trường cổ phiếu đều đã được thị trường phản ánh khi NHNN công bố dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 trước đó. Do vậy, “ mức độ rủi ro và ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán là không đáng lo ngại”, BSC khẳng định.
Ngành nào hưởng lợi?
Thông tư 06 với các điều kiện nới lỏng hơn, đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện kéo dài từ 6 - 18 tháng sẽ hỗ trợ tăng trưởng đối với nền kinh tế và giảm chi phí vốn cho hầu hết các doanh nghiệp (DN).
Một số ngành chịu tác động trực tiếp từ các thay đổi của Thông tư 06, theo đánh giá của BSC là ngân hàng, bất động sản (BĐS), xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn.
Với việc giãn thời gian thực hiện theo lộ trình các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 06, ngân hàng có thêm nguồn để cho vay trung và dài hạn, áp lực tăng lãi suất huy động và tăng trích lập dự phòng được giảm bớt, do vậy, thu nhập của ngân hàng có thể sẽ đỡ chịu áp lực ngắn hạn hơn.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, cổ phiếu ngân hàng dù đã tăng trong tháng 5, nhưng nếu tính từ đầu năm thì tổng vốn hóa toàn ngành vẫn giảm 3,5%. Các ngân hàng đa phần đều đưa ra những mục tiêu tham vọng trong kế hoạch kinh doanh 2016, nhưng nợ xấu, các vấn đề phát sinh trong quá trình tái cơ cấu và kinh tế tăng trưởng chậm nói chung đang làm giảm sự hấp dẫn của ngành này. Trong nửa cuối năm khi tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, sự hấp dẫn của ngành ngân hàng sẽ dần quay trở lại nhưng thời điểm để có bước nhảy mạnh cho giá cổ phiếu rất có thể sẽ không xảy ra trong năm nay.
Ông Linh cho biết thêm, so với ngành Ngân hàng, ngành BĐS đã có tăng trưởng tích cực hơn với tổng vốn hóa tăng 8,3%. Thị trường BĐS sôi động hơn giúp một số công ty có tăng trưởng tốt. Tuy vậy, một số công ty do không chuyển đổi kịp thời phương thức kinh doanh nên vẫn rất chật vật để tồn tại. “Quy định thoáng hơn trong Thông tư 06, theo chúng tôi cũng chỉ giúp ích cho một số công ty BĐS có chiến lược kinh doanh đúng đắn, tận dụng thời cơ đẩy nhanh bán hàng”, ông Linh nói.
Ngoài ra, hai ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ Thông tư 06. BSC cho rằng, mức độ ảnh hưởng tiêu cực sẽ thấp hơn đối với các DN BĐS. Áp lực giảm bớt sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng cao hơn đối với các DN xây dựng và vật liệu xây dựng. Tác động này sẽ rõ hơn đối với nhóm DN xây dựng nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại và các DN vật liệu xây dựng có tỷ lệ bán vào kênh công trình cao.
Duy Thái