Thủ đoạn ngụy trang buôn lậu xăng dầu ngày càng tinh vi

Lực lượng hải quan niêm phong tàu vận chuyển dầu nhập lâu. Ảnh: Lê Thu

Cải hoán cả tàu hậu cần

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tại vùng biển phía Nam, nơi có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, nên nhu cầu xăng dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế đó, một số đối tượng buôn lậu tranh thủ sự chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước và các nước lân cận để tìm mọi cách ngụy trang tàu cá, tàu hậu cần thủy sản mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này.

Trước tình trạng vận chuyển dầu lậu trên biển ngày càng phức tạp, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác điều tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn kịp thời tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép xăng, dầu trên biển… Nhờ đó lượng vi phạm gần đây có giảm, tuy nhiên mức độ ngày càng tinh vi và khó lường.

Theo Đại úy Huỳnh Long Vũ - Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong thời gian qua, sự chênh lệch giữa giá dầu trong đất liền và giá dầu trên biển khá lớn nên các đối tượng đã cải hoán các hầm ở tàu cá thành hầm chứa dầu sai quy định. Lợi nhuận từ nguồn thu này rất cao và tình trạng này rất phức tạp.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu xăng dầu vẫn do một số đối tượng người Việt Nam móc nối, giao dịch với đầu nậu người nước ngoài rồi để thỏa thuận về giá, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán…, sau đó chuyên chở số dầu trên di chuyển trên biển để tiếp tục bán cho ngư dân nhằm thu lợi bất chính.

Đại úy Huỳnh Long Vũ cho biết thêm, các đối tượng lợi dụng thời tiết ban đêm, rất khó quan sát, trong khi địa bàn quản lý biên giới trên biển rất rộng… Trong quá trình phát hiện bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn nhưng khó nhất vẫn là tàu cá và tàu cá được cải hoán để buôn lậu dầu, rất khó phân biệt. Ngoài ra, nhiều tàu được trang bị máy bơm có công suất lớn nên thời gian sang mạn cũng như bơm dầu bán cho tàu cá diễn ra rất nhanh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi phát hiện cũng như truy đuổi, bắt giữ.

Cá biệt, có trường hợp, Hải đội 3 Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện vụ việc các đối tượng lợi dụng tàu phục vụ hậu cần thủy sản để buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn. Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã ngụy trang tàu dịch vụ hậu cần thủy sản rất tinh vi. Các hầm chứa nhiên liệu được bố trí, hoán cải để chở được nhiều hàng hóa là xăng dầu nhập lậu. Do đó, việc phát hiện, ngăn chặn các tàu buôn lậu xăng dầu trên biển đang là thách thức với cơ quan chức năng.

Theo ông Vũ Quang Toàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, đây là một trong những thủ đoạn mới. Đối tượng giả danh tàu đánh cá, tàu thu mua hải sản với nhiều phương thức thủ đoạn khác. Đồng thời, các đối tượng sử dụng các thông tin liên lạc cũng như phương tiện vận chuyển gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Giám sát chặt

Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp.

Trước tình trạng vận chuyển dầu lậu trên biển ngày càng phức tạp, tới đây, lực lượng chức năng sẽ triển khai hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, tăng cường công tác điều tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn kịp thời tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép xăng dầu trên biển…

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý nghiêm hành vi kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu và cảnh báo người tiêu dùng về những nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả...

Đầu tháng 1 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã phát đi văn bản yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất nhập khẩu để tránh các thương nhân gian lận. Theo đó, chỉ cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu lưu giữ xăng dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất tại các kho đã được xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị địa phương kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất phần mềm quản lý hàng hóa xuất nhập tồn về khả năng kết nối, kết xuất dữ liệu về tên hàng, chủng loại, nguồn gốc, số lượng, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu giữ tại các bồn bể trong kho xăng dầu. Bên cạnh đó, quản lý, giám sát chặt hệ thống thiết bị đo mức bồn bể tự động; quản lý, giám sát thông qua hệ thống camera giám sát...

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu

Ngày 24/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 09/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài chính, Công an; Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chủ tịch UBND các địa phương... tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử.