Thúc đẩy gắn kết, nâng tầm xúc tiến  đầu tư tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính. Ảnh: TL

Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, bất chấp những thử thách, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiểm soát. Năm 2023, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 5%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6 - 6,5%. Các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Dự báo cả năm 2023 lạm phát tăng 3,5%, dưới mức mục tiêu 4,5%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 4% GDP, nợ công khoảng dưới 40% GDP; cả năm ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hết tháng 9/2023 đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Đã điều chỉnh giảm 04 lần liên tục các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm.

Tăng trưởng xuất khẩu thông qua đa dạng hóa đối tác và ngành hàng; thu hút FDI thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư; tăng trưởng cầu nội địa nhờ vào thị trường gần 100 triệu dân với khả năng chi tiêu được cải thiện; nợ công thấp, dư địa tài khoá dồi dào là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Thông tin thêm với các nhà đầu tư, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính Việt Nam) cho biết, Việt Nam tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, gồm: CPTPP, EVFTA, UKFTA và RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và an ninh tài chính. Bên cạnh đó, mạng lưới FTA rộng khắp giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và hưởng lợi từ nền kinh tế tái cơ cấu chuỗi sản xuất. Xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy nhờ nền kinh tế của các nước láng giềng là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.

BỘ TÀI CHÍNH TIẾP XÚC VỚI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ TẠI NEW YORK, BOSTON

Ngoài Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tổ chức tại Los Angesles, trước đó, từ ngày 6 - 14/11/2023, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức tiếp xúc với các nhà đầu tư tại New York, Boston. Các Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm triển khai thực hiện Đề án Chiến lược nợ công đến năm 2030 và Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm: Việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam tiếp tục mục tiêu khai phá tiềm năng tăng trưởng kinh tế từ phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng. Chung tay vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải về 0 vào năm 2050. Với mục tiêu này, Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi và huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư vào các lĩnh vực cần chuyển hướng sang xanh và sạch.

"Với vị thế đầu tư chiến lược và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, chúng tôi vinh hạnh mời các bạn trở thành đối tác, cùng đồng hành với chúng tôi để hiện thực hóa những triển vọng lớn lao mà Việt Nam sẵn có" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.

Các quỹ đầu tư tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao triển vọng của Việt Nam

Thúc đẩy gắn kết, nâng tầm xúc tiến  đầu tư tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TL

Tại phiên thảo luận, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam Vũ Thị Chân Phương, cùng với sự điều phối của ông Don Lam - CEO và là nhà sáng lập của VinaCapital, đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư Hoa Kỳ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong đầu tư, kinh doanh; đồng thời tập trung thảo luận các giải pháp, định hướng nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm về các thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại thị trường Việt Nam và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã chia sẻ về công tác nâng hạng, cũng như lợi ích, thách thức của việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán bao gồm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp. Khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ. Trên cơ sở đó, số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn cũng gia tăng, nhờ đó đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới. Những điều này có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán và triển vọng phát triển theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.

Thông tin thêm đến các nhà đầu tư, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, việc nâng hạng thị trường không chỉ là nỗ lực của riêng cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là nỗ lực chung của các thành viên thị trường.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ thông tin đến các nhà đầu tư những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành của Chính phủ, sẵn sàng trao đổi, thảo luận và trả lời mối quan tâm của các đại biểu nhằm tăng cường kết nối giữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ với Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khi thăm Việt Nam.

Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực

Chia sẻ về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Để thực hiện những mục tiêu này, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.