Hoạt động phối hợp kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Lào Cai.
Hoạt động phối hợp kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Lào Cai.

Còn hạn chế về quy mô

Tỉnh Lào Cai có 3 tuyến đường sắt gồm: 1 tuyến đường sắt quốc gia và 2 tuyến đường chuyên dùng.

Trong đó, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh đóng vai trò rất quan trọng trong vận tải hành khách, hàng hoá giữa tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với Việt Nam. Toàn tuyến dài 296 km (đoạn qua địa phận Lào Cai dài 62 km).

Những năm gần đây, hoạt động vận tải đường sắt đặc biệt là vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả, đặc biệt là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với đường sắt Trung Quốc qua ga cửa khẩu Lào Cai.

Hàng xuất chủ yếu là nông sản, hoa quả, quặng các loại từ phía Nam ra xuất đi Trung Quốc. Hàng nhập chủ yếu nguyên liệu sản xuất (lá thuốc lá, than, cao su…), phân bón và hóa chất… Hàng quá cảnh từ Trung Quốc đi các nước khác hoặc đi các tỉnh khác của Trung Quốc và ngược lại, như phân bón, hóa chất, quặng các loại…

Dù vậy, Lào Cai vẫn gặp một số khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: chưa có trung tâm logistics lớn tầm cỡ quốc tế; số lượng doanh nghiệp logistics hoạt động trên địa bàn lớn, nhưng đa số quy mô nhỏ, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt là thương mại điện tử, hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Lào Cai khá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hoàn thiện các điều kiện thông quan

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bằng đường sắt qua địa bàn Lào Cai, mới đây, UBND tỉnh Lào Cai và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có buổi làm việc trao đổi các giải pháp về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Trong bối cảnh đường bộ có nhiều hạn chế thì đường sắt đang là một hướng đi cần lưu tâm cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh đường bộ có nhiều hạn chế thì đường sắt đang là một hướng đi cần lưu tâm cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại đây, chính quyền tỉnh Lào Cai đã đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tích cực trao đổi, hội đàm đề nghị phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xây dựng khu vực kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch và hoàn thiện các điều kiện để thông quan các loại hàng hóa nông lâm thủy sản.

Đồng thời, hỗ trợ UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; hoàn thiện phương án kết nối đường sắt khổ lồng (khổ 1.000 mmm và 1.435 mm) giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Đặc biệt, hỗ trợ tỉnh Lào Cai nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu tập trung; địa điểm tập kết, lưu giữ hàng hoá để làm thủ tục xuất nhập khẩu được ngăn cách với địa điểm tập kết hàng hoá nội địa.

Phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì đề nghị tỉnh Lào Cai ban hành các chính sách hỗ trợ và tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt và quá cảnh sang nước thứ 3.

Ngoài ra, trao đổi với phía Trung Quốc có chính sách thuế xuất nhập khẩu ổn định, xây dựng khu vực kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch và thông quan các loại hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản vận chuyển bằng đường sắt; có chính sách khuyến khích khách hàng, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt./.