tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại Nhật Bản.

Trong khuôn khổ cuộc làm việc song phương với ông Soichiro Imaeda, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Quốc vụ khanh Nhật Bản chiều 21/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gửi lời mời trân trọng tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC vào tháng 10/2017 tại Hội An, Quảng Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Tài chính Nhật Bản ủng hộ các sáng kiến trong hợp tác tài chính APEC 2017. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận) và ông mong rằng, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong lộ trình thực thi BEPS. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng các lãnh đạo ngành Tài chính, chứng khoán, bảo hiểm Việt Nam trả lời câu hỏi của nhà đầu tư Nhật. Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để thay thế thiết bị phần cứng của hệ thống VNACCS/CIS, do các thiết bị này sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2018. Liên quan đến việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, Đoàn công tác Bộ Tài chính đã thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp gỡ và chia sẻ thông tin với khoảng 200 nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều tổ chức lớn như Tập đoàn Nikkei, Ngân hàng Yokohama, Tập đoàn Daiwa, Tập đoàn Sumitmo, Tập đoàn Hitachi… đã đến dự Hội nghị và dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin trực tiếp từ lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tại Việt Nam. Bà Keiko Tashiro, thành viên HĐQT Daiwa đánh giá, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại và nếu Chính phủ mở cửa rộng hơn cho vốn ngoại, đồng thời cam kết xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, an toàn thì chắc chắn dòng vốn Nhật Bản sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nước đứng thứ 2 trong tổng số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 46,47 tỷ USD. Trên thị trường tài chính, số tài khoản nhà đầu tư Nhật Bản mở tại Việt Nam chiếm khoảng 30% trong tổng số các tài khoản vốn ngoại trên thị trường. Đoàn công tác Bộ Tài chính Việt Nam làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản là rất đáng trân trọng, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Năm 2017-2019, Việt Nam phải cổ phần hóa hàng trăm DNNN, đồng thời phải thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN. Cùng với đó, TTCK Việt Nam vừa mở cửa sàn giao dịch chứng khoán phái sinh, đang mở ra những cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Liên quan đến hoạt động của khối doanh nghiệp, ngày 22/8/2017, nhiều DN lớn của Việt Nam như Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt, Novaland, Vingroup, Sabeco… có cuộc làm việc song phương với các nhà đầu tư Nhật Bản với hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn dòng vốn Nhật vào TTCK Việt Nam. Tại buổi làm việc với Công ty FPT Nhật Bản (FPT Japan), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với lãnh đạo và nhân viên FPT Japan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những thành tích mà FPT Japan đạt được trong thời gian qua, không chỉ mang lại giá trị kinh tế với doanh thu khoảng 150 triệu USD/năm, FPT Japan còn tạo việc làm cho nhiều lao động Việt Nam cũng như Nhật Bản với khoảng 800 việc làm. Những thành tích, kết quả của FPT Japan đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, trong môi trường kinh doanh quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực kinh tế công nghệ cao. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ và Bộ Tài chính luôn là đơn vị tiên phong với 4 năm liền đứng đầu các bộ, ngành; những lĩnh vực lớn như thuế, hải quan, chứng khoán… đều đã được ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Tài chính đang thực hiện quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử và trong quá trình trên, FPT đã có những đóng góp đáng kể và được đánh giá cao. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho hay Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ những chính sách ưu tiên nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin - ngành công nghiệp chất lượng cao. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý FPT Japan cần tích cực đóng góp hơn nữa cho ngành công nghệ thông tin của Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Việt Nam có thể nói đang thiếu một tổng chỉ huy trưởng công nghệ thông tin quốc gia để tham mưu cho Chính phủ. Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa cho biết công ty đang có những bước phát triển vững chắn tại thị trường Nhật Bản với 4 văn phòng tại Tokyo, Nagoya, Osaka và Fukuoka, và sắp tới sẽ mở thêm một trung tâm nghiên cứu tại Okinawa. Không chỉ phấn đấu mang lại những giá trị kinh tế, FPT Japan còn tiếp thu những kinh nghiệm về quản trị, công nghệ hiện đại và kiến thức về môi trường kinh doanh tại Nhật Bản, và mong muốn chia sẻ, đóng góp cho đất nước. Cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Tài chính, Giám đốc Trần Đăng Hòa khẳng định niềm tin FPT Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai./.

Theo Mof.gov.vn