Ngày 2/6, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức tọa đàm Triển vọng năng lượng Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về các chính sách giúp hạ giá thành điện gió ngoài khơi, xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi trên thế giới và ảnh hưởng của xu hướng này đến Việt Nam.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể tăng lên tới 160 GW
Đại diện các cơ quan năng lượng Đan Mạch tại tọa đàm. Ảnh: LV

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ulrik Eversbush- Giám đốc hợp tác toàn cầu Cục Năng lượng Đan Mạch đánh giá cao cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông cho biết, kể từ sau cam kết tại COP26, Đan Mạch và Việt Nam đã cùng nhau phối hợp để xác định ra con đường hướng tới mục tiêu này.

Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi và nguồn năng lượng này đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII với mức công suất dự kiến khoảng từ 7-8 GW đến 2030. Kết quả một nghiên cứu chung giữa Đan Mạch và Việt Nam cho thấy, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể tăng lên tới 160 GW trong dài hạn.

Theo ông Loui Algren- cố vấn năng lượng, Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, thực hiện kịch bản phát thải ròng bằng 0, chi phí đầu tư sẽ tăng lên khoảng 10% nhưng điều quan trọng, khác biệt là sẽ giúp Việt Nam chuyển từ hệ thống năng lượng thâm dụng nhiên liệu sang một hệ thống năng lượng xanh hơn, tăng khả năng tự chủ được năng lượng, không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Cũng theo ông Louis, nguồn tài chính thực hiện kịch bản này đòi hỏi rất lớn, Việt Nam không có đủ nguồn vốn để trang trải cho những đầu tư này và cần nguồn vốn từ quốc tế. Tuy nhiên, theo thỏa thuận Paris về duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, các quốc gia đang phát triển sẽ phải đề ra chỉ tiêu, lập quy hoạch, kế hoạch và các quốc gia phát triển sẽ phải cung cấp một phần nguồn tài chính để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đó. Theo cam kết, số tiền từ các nước phát triển để thực hiện mục tiêu này sẽ là khoảng 100 tỷ USD.

Như vậy, nguồn tài chính thực hiện cam kết không phải là khó khăn nhưng sử dụng nguồn tài chính này hiệu quả như thế nào là điều quan trọng. Khuyến nghị của ông Louis là các cơ quan chức năng của Việt Nam phải giảm thiểu rủi ro cho những đầu tư này thông qua hỗ trợ như giảm rủi ro tiết giảm công suất phát lưới của các dự án năng lượng tái tạo hay các khoản vay được Chính phủ bảo đảm để giảm thiểu rủi ro, giúp cho quá trình chuyển đổi trở nên đỡ tốn kém chi phí hơn…

Ông Louis cũng chia sẻ: “Ở Đan Mạch, chúng tôi đưa ra những yêu cầu và tiêu chuẩn rất cao về đánh giá môi trường đối với các dự án năng lượng tái tạo và chúng tôi khuyến khích Việt Nam thực hiện các biện pháp tương tự khi xem xét các dự án”.

Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Erik Kjær- cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, Việt Nam hiện có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc vào hàng tốt nhất khu vực châu Á. Nhưng dự án điện gió ngoài khơi thường là dự án quy mô lớn, phức tạp và nhiều rủi ro. Theo kinh nghiệm của Đan Mạch, phải mất khoảng 7 năm để có thể đưa vào vận hành dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công thương trong thời gian tới để đưa ra công cụ mô hình hóa về chi phí cho phép xem xét thử nghiệm các khía cạnh kinh tế của dự án, để xem đâu là những khoản thiếu hụt cần có sự hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước”- ông Erik Kjær nhấn mạnh.