ông cao đức phát

Đồng chí Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, do đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cũng như về định hướng khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và việc thực hiện chính sách tài chính, thuế đối với hợp tác xã.

Cùng tham dự buổi làm việc có các thành viên Tổ Biên tập các đề án của Ban Kinh tế Trung ương, đại diện Lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương. Về phía Bộ Tài chính có đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đồng chí Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cùng đại diện Lãnh đạo một số các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Bộ.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính đất đai

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trên cơ sở Luật Đất đai và các luật, pháp luật về thuế có liên quan, số thu NSNN từ đất tăng trưởng cao qua các năm tạo nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2016 số thu tiền sử dụng đất đạt 98.573 tỷ đồng, bằng 197,5% dự toán, tăng 45,6% so với năm 2015 và bằng khoảng 9% tổng thu NSNN.

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành các Nghị định và thực hiện ban hành các Thông tư về tài chính đất đai theo thẩm quyền, cơ chế chính sách về tài chính đối với việc quản lý, sử dụng đất đai có những ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, thông qua cơ chế giá đất, các khoản thu ngân sách từ đất đai, nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, giao khoán đất nông nghiệp đất rừng sản xuất…

Chính sách tài chính đất đai từng bước được hoàn thiện, đã đóng góp tích cực cho phát triển KTXH, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, đã khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tiếp cận đất đai, chính sách thu chi NSNN về đất đai được xây dựng theo định hướng thị trường và có tính đến yếu tố cân đối ngân sách; Phân bổ quỹ đất đáp ứng cho các mục tiêu phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh…; Thị trường bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất đã từng bước tạo lập cơ chế hoạt động, phát triển tương đối đồng bộ, từng bước hoàn thiện chính sách tài chính đất đai theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường, thu hút đầu tư cho phát triển, đưa đất đai trở thành nguồn nội lực để phát triển đất nước.

làm việc đất đai
Toàn cảnh buổi làm việc

Đổi mới cơ chế tài chính về hoạt động khoáng sản

Về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các cơ chế, chính sách tài chính đối với tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng để đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước.

Riêng đối với lĩnh vực thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Bộ Tài chính đã trình ban hành 05 Luật, 3 Nghị quyết của UBTVQH, 11 Nghị định của Chính phủ và 17 Thông tư, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản như về chính sách khuyến khích đầu tư đối với các dự án khai thác, chế biết khoáng sản; Đổi mới chính sách tài chính đối với hoạt động điều tra, thăm dò, khai thách, chuyển nhượng khoáng sản, xác định đúng giá trị tài nguyên khoáng sản được khai thác; Xây dựng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo lợi ích của Nhà nước phù hợp;

Đặc biệt là đối với các chính sách thuế đối với tài nguyên khoáng sản đã đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, như chính sách thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, chính sách phí và lệ phí đối với khoáng sản…qua đó đã góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản, đảm bảo nguồn dự trữ quốc gia về tài nguyên để phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội.

thứ trưởng đỗ hoàng anh tuấn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Chính sách ưu đãi cao nhất để phát triển Hợp tác xã

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết: Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính, thuế phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, trong đó trọng tâm là các hợp tác xã, Bộ Tài chính đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính bám sát với hoạt động thực tế của các hợp tác xã, kịp thời có chính sách ưu đãi cao nhất để thúc đẩy phát triển, chuyển đổi hợp tác xã trong thời gian qua.

Hợp tác xã được ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; ưu đãi về thuế tài nguyên, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài… Đối với hợp tác xã trong lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư được miễn thuế xuất nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, linh kiện, phương tiện vận tải chuyên dùng… Với các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, các sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5%. Ngoài việc giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% thì ưu đãi thuế đối với hợp tác xã ở mức cao và ngày càng rõ ràng, minh bạch.

“Những ưu đãi này đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chính sách tài chính về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách tín dụng đối với hợp tác xã thông qua cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chính sách tài chính đất đai…đã được ban hành kịp thời, qua đó góp phần triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ ngân sách cho các hợp tác xã nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế tập thể.

tổ công tác
Đại diện Tổ Biên tập các đề án phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện của các bộ, ngành, các thành viên Ban soạn thảo đề án cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận những vấn đề về chính sách tài chính đối với đất đai như chính sách đánh thuế theo lũy tiến trong sử dụng đất, vấn đề định giá đất, đổi mới cơ chế cho thuê đất, sử dụng nguồn lực đất nông, lâm trường quốc doanh; vấn đề cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như cân đối nguồn lực tài chính đối với chính sách hỗ trợ hợp tác xã…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết: thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, Ban Kinh tế Trung ương tiến hành xây dựng các đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và xây dựng hoàn thiện đề án phát triển hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới. Để thực hiện 3 nhiệm vụ này, Ban Kinh tế Trung ương đã giao các bộ ngành, địa phương xây dựng báo cáo.

Phó Trưởng ban Cao Đức Phát đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách tài chính trong thời gian qua đồng thời, cũng đề nghị đại diện các bộ, ngành, tổ biên tập các đề án của Ban Kinh tế Trung ương trao đổi làm rõ hơn vấn đề về tài chính có liên quan đến đất đai, khoáng sản, hợp tác xã… từ đó tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất./.

Theo mof.gov.vn