Gói hỗ trợ thuế cho chương trình đạt hơn 82% kế hoạch

Trong các gói hỗ trợ phải kể đến gói hỗ trợ về tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Còn nhớ vào ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian hỗ trợ của nghị quyết chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023. Một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 1/2023, tổng số thuế miễn, giảm ước khoảng 52.623 tỷ đồng, bằng 82,2% số dự kiến khi xây dựng chương trình (64.000 tỷ đồng).

Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 khoảng 41.368 tỷ đồng. Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ khoảng 6.555 tỷ đồng. Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2022 khoảng 2.076 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ khoảng 1.724 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính    	     								   Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Ngoài ra, theo thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã thực hiện giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 900 tỷ đồng. Riêng việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023, do quyết định mới ban hành nên đến nay chưa có số liệu báo cáo tình hình thực hiện chính sách này.

Bên cạnh đó, trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Lũy kế thực hiện các chính sách này đến tháng 1/2023 ước khoảng 38.877 tỷ đồng…

Hỗ trợ về thuế để doanh nghiệp phục hồi

Trong gói hỗ trợ, chính sách gia hạn thuế chiếm số tiền lớn nhất. Kết quả triển khai các chính sách gia hạn thuế chỉ áp dụng trong năm 2022 qua số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số thuế đã gia hạn năm trong 2022 ước khoảng 105.920 tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng chương trình (135 nghìn tỷ đồng).

Đề xuất gia hạn thuế như năm 2022

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 - 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế đề xuất gia hạn lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, ước thực hiện tiền gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 96.315 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ước khoảng 9.605 tỷ đồng.

Mới đây, cử tri một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có chính sách tài chính, ngân hàng, logistics, miễn, giãn, giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh đảm bảo việc làm, “giữ chân” người lao động, ổn định thị trường lao động sau tết. Bộ Tài chính cho biết, tổng các gói hỗ trợ về tài khóa trong 3 năm qua đã lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng. Sự hỗ trợ lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Tài chính, tuy nhiên, trong những hoàn cảnh đặc biệt cần có những chính sách đặc biệt. Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế suy giảm, doanh nghiệp và người dân gặp muôn vàn khó khăn, dù việc miễn, giảm, gia hạn thuế ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã linh hoạt trong điều hành để duy trì chính sách tài chính - ngân sách đạt đa mục tiêu.

Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trong đó, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023.

Còn nhiều áp lực trong điều hành chính sách tài khóa

Theo nhận định của giới chuyên gia, dư địa tài khóa để phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023 đứng trước nhiều khó khăn. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) phụ thuộc vào đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế, tăng trưởng kinh tế trong nước cuối năm 2022 đã có dấu hiệu chững lại, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023 khó khăn sẽ ảnh hưởng đến thu NSNN. Trong khi đó, đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh sau 2 năm giải ngân chậm tiến độ. Mặc dù đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phục hồi, nhưng cũng sẽ tạo áp lực với việc huy động và quản lý NSNN.

Do đó, hiến kế cho Bộ Tài chính tại Diễn đàn Tài chính tổ chức vào cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị Chính phủ trong năm 2023 cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, nhằm thực hiện cho được các mục tiêu về tài chính - NSNN đặt ra. Trong đó, các giải pháp trọng tâm vẫn là phải hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2023 toàn ngành Tài chính tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách tài khóa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, bởi theo Bộ trưởng, doanh nghiệp có mạnh thì tài chính mới phát triển vững mạnh.

Trong ngắn hạn, cần tiếp tục ưu tiên thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ứng phó với các bất ổn kinh tế vĩ mô từ bên ngoài. Về dài hạn, sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu, chi NSNN, kiểm soát bội chi và nợ công, dần tiến tới cân đối được ngân sách và phải lấy mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia làm trọng.