Tăng trưởng tín dụng tích cực hơn

Tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 (19/6), Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá răng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã cải thiện dần qua các tháng. Đáng chú ý hơn, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Đánh giá về con số tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, mức tăng trưởng 3,79% tính đến 14/6 là tích cực hơn so với cuối tháng 5 (2,41%) và khả năng tín dụng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối tháng 6/2024.

Tín dụng có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5 – 6% vào cuối tháng 6 này

Được biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6%, cả năm đạt 15 - 16%. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng vẫn phải kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như: tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050...

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thì dự kiến các tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng khả quan hơn.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng tuần qua, báo cáo của SSI Research cho biết, thanh khoản hệ thống ở trạng thái ổn định và Ngân hàng Nhà nước duy trì trạng thái rút ròng trên kênh thị trường mở, với tổng giá trị đạt 33,1 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, xu hướng hút bớt thanh khoản xuyên suốt với việc đẩy mạnh phát hành tín phiếu (30,7 nghìn tỷ đồng) trong khi có một lượng hợp đồng mua kỳ hạn đáo hạn (5,1 nghìn tỷ đồng).

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã hạ kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày từ 28 ngày trong phiên giao dịch ngày thứ 6 để các ngân hàng thương mại có thể chủ động hơn trong việc điều tiết thanh khoản khi giai đoạn cao điểm cuối quý đang tới gần. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm xuống chỉ còn 3,5% (giảm 100 điểm cơ bản so với tuần trước đó) và giá trị giao dịch trung bình ngày tăng nhẹ lên mức 285 nghìn tỷ đồng/ngày.

Tỷ giá USD/VND tự do bật tăng

Cũng theo báo cáo về thị trường ngoại hồi của SSI Research, trong tuần trước, số liệu kinh tế của Mỹ, bao gồm doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp cho kết quả tích cực hơn kỳ vọng và nhờ vậy chỉ số DXY tiếp tục xu hướng tăng trong tuần trước và kết tuần tăng 0,3%. Các đồng tiền chủ chốt đều mất giá với USD như JPY (-1,42%), GBP (-0,3%) hay EUR (-0,10%).

Tín dụng có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5 – 6% vào cuối tháng 6 này

Trên thị trường trong nước, áp lực về tỷ giá tăng dần theo xu hướng quốc tế và tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay trở lại mức bán tại Ngân hàng Nhà nước, giao dịch ở mức 25.450 đồng, tương đương với mức tăng 0,2% trong tuần qua. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đều tăng lên mức trần biên độ hay trên thị trường tự do tăng vượt vùng đỉnh lịch sử. Ngân hàng Nhà nước đã phải tiếp tục bán USD từ dự trữ ngoại hối nhằm cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ nay tới cuối năm, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo, điều hành lãi suất tiếp tục ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu của chính sách tiền tệ…/.

Đối với thị trường vàng, trong tuần qua, sau 3 tuần Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán vàng bình ổn tới các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và SJC, chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế đã thu hẹp đáng kể, hiện chỉ vào khoảng 5 triệu đồng/lượng (khoảng 6% giá vàng SJC bán ra).