Lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt rõ rệt

Các giao dịch ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng cho thấy xu hướng lãi suất giảm khá rõ nét. Đến nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 3,49%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất qua đêm thời điểm đầu tháng 11 có lúc đã lên tới 6,36%. Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đã giảm thấp xuống chỉ còn 4,24%, cũng thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lên tới trên 7% vào đầu tháng 11/2022.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh thời gian qua một phần nhờ những kết quả qua 2 cuộc họp diễn ra trong tháng 12 giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). Theo đó, các ngân hàng ngoài việc cam kết dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động, thì cũng có những nội dung trao đổi để có sự hậu thuẫn tốt hơn với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Theo trao đổi của đại diện VNBA, trước đây có một số thời điểm các ngân hàng thậm chí có tâm lý dè dặt lẫn nhau, sau khi có những nội dung trao đổi và đồng thuận, sự hỗ trợ lẫn nhau qua thị trường liên ngân hàng đã được thực hiện tốt hơn trước.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về diễn biến chung trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh thời gian qua một phần nhờ kết quả của hàng loạt động thái điều hành khá hợp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, hoạt động thị trường mở (OMO) được điều hành linh hoạt, các động thái bơm và hút tiền qua thị trường mở đã hỗ trợ tốt cho thanh khoản của các ngân hàng. Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành tuy có mang tính hành chính nhưng cần thiết trong thời điểm hiện tại là việc NHNN thông báo sẽ xử lý những ngân hàng tăng lãi suất, đã chặn được làn sóng tăng lãi suất, đưa lãi suất trở về quỹ đạo hợp lý.

Tăng trưởng tín dụng đã đạt 13%

Ông Linh cho biết, thị trường liên ngân hàng thường là nơi thể hiện tín hiệu sớm và qua tín hiệu thị trường này có thể dự báo các động thái của thị trường tiền tệ nói chung trên phạm vi rộng hơn. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt sẽ là yếu tố nền tảng cơ bản giúp cho lãi suất ở bên ngoài cũng giảm dần. Hiện tại, các yếu tố này mới đang ở mức sơ khởi ban đầu, chưa thể có tác động ngay đến nền kinh tế vì thông thường mỗi sự thay đổi chờ đợi thêm một khoảng thời gian để có thể có những tác động rõ ràng.

Kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới dự báo sẽ có thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng...

Thực tế, mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn được NHNN thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các ngân hàng phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp. Trong một văn bản đưa ra gần đây, NHNN tiếp tục nhắc nhở các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, NHNN cũng cho thấy sự quan tâm khá sát sao với việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, cơ quan này yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31. Ngoài ra, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với các động thái hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/12 đạt khoảng 13% so với cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng huy động vốn đạt khoảng 6%. Hiện tại, dư địa cho tăng trưởng tín dụng so với hạn mức tăng trưởng chung vẫn còn, nhưng theo thông lệ hàng năm, tín dụng có thể sẽ còn tăng mạnh trong một vài ngày cuối cùng trong năm.