Xoay quanh câu chuyện về xây dựng chiến lược huy động vốn hiệu quả nhằm phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Xuân Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Vina (VNSC).
PV: Theo ông, xu hướng chính trong chiến lược huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) trong năm 2025 là gì và những nhóm ngành nào sẽ có tiềm năng dẫn đầu trong việc phát hành trái phiếu?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Trong năm 2025, xu hướng huy động vốn qua phát hành TPDNRL dự kiến sẽ chững lại và có thể sụt giảm do nhiều yếu tố tác động. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các điều kiện phát hành ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. So với giai đoạn trước năm 2022, việc huy động vốn qua kênh này không còn dễ dàng khi các quy định siết chặt, đòi hỏi nhà đầu tư (NĐT) phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có thể tham gia.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chứng khoán cũng có tiềm năng trở thành những ngành dẫn đầu trong năm 2025, đặc biệt khi thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ được “nâng hạng”, tạo động lực thu hút vốn dài hạn. |
Năm 2025 đánh dấu thời điểm nhiều lô TPDNRL đã gia hạn từ năm 2023 đến hạn tất toán. Trong số đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu áp lực lớn nhất, do phần lớn nguồn thu của họ phụ thuộc vào hoạt động phát triển và bán bất động sản – một lĩnh vực đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá nhà đất tăng cao, sức mua yếu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành đều chịu tác động tiêu cực. Nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì sức hút trong việc phát hành TPDNRL. Theo số liệu năm 2024, báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy tổng giá trị TPDN đạt khoảng 418.197 tỷ đồng, trong đó ngân hàng chiếm hơn 70%, còn bất động sản chỉ khoảng 22,5%. Xu hướng này cho thấy ngân hàng vẫn đóng vai trò là “động cơ” chính trong huy động vốn qua kênh trái phiếu.
PV: Trong năm nay, dưới góc nhìn của ông, các đơn vị phát hành cần xây dựng chiến lược huy động vốn như thế nào để phù hợp với quy định pháp lý mới được ban hành liên quan đến TPDNRL?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Để đáp ứng các quy định pháp lý mới về TPDNRL, các đơn vị phát hành cần xây dựng một chiến lược huy động vốn toàn diện. Trước hết, việc minh bạch và chính xác trong công bố thông tin đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các dữ liệu tài chính, phương án sử dụng vốn, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro nghiêm ngặt theo khung pháp lý mới. Chẳng hạn, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thanh toán gốc, lãi và đảm bảo quyền lợi của trái chủ.
Bên cạnh đó, tối ưu hóa cấu trúc phát hành là một bước đi quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro tái cấu trúc nợ và áp lực đáo hạn. Các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về kỳ hạn, lãi suất, cũng như lựa chọn hình thức phát hành phù hợp giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Ngoài ra, đầu tư vào công nghệ quản trị rủi ro cũng là một yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kiểm soát và tuân thủ quy định pháp lý. Việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm quản lý rủi ro không chỉ giúp tự động hóa quy trình kiểm soát mà còn đảm bảo tính chính xác và nhất quán của các hồ sơ đăng ký phát hành.
Song song với đó, đào tạo và nâng cao năng lực nội bộ là một yêu cầu cấp thiết. Các bộ phận liên quan, đặc biệt là nhân sự phụ trách tài chính, pháp lý và quan hệ NĐT, cần được trang bị đầy đủ kiến thức về các quy định mới nhằm đảm bảo các đợt phát hành diễn ra suôn sẻ, tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Cuối cùng, việc có tài sản đảm bảo với chất lượng tốt cũng là một yếu tố quan trọng giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.
PV: Với xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) trong các công ty chứng khoán hiện nay, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chúng trong việc phát hành trái phiếu?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Trong bối cảnh số hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cùng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) đang mang lại những lợi ích đáng kể cho các công ty chứng khoán. Theo đó, AI có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ từ thị trường chứng khoán trong thời gian thực, qua đó xây dựng các mô hình định giá chính xác và đưa ra dự báo về xu hướng biến động lãi suất cũng như giá trị trái phiếu.
Theo đại diện VNSC, nâng cao hiệu suất nội bộ, các công cụ phân tích dựa trên Big Data còn góp phần quan trọng trong việc tăng tính minh bạch của thị trường. Trên thực tế, việc ứng dụng AI vào quá trình định giá và quản trị rủi ro đã giúp tăng hiệu quả lên tới 30% so với các phương pháp truyền thống, hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động phát hành chứng khoán. |
Bên cạnh đó, tự động hóa quy trình phân tích giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ phát hành, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát rủi ro. Thay vì mất hàng giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để phân tích dữ liệu thủ công, hệ thống AI có thể thực hiện công việc này trong thời gian ngắn hơn rất nhiều, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành và tối ưu hóa nguồn lực.
Ngoài ra, nhờ vào khả năng tổng hợp và xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ, AI giúp việc thẩm định doanh nghiệp trở nên nhanh chóng và chính xác hơn trong bối cảnh lượng thông tin ngày càng phong phú, con người khó có thể tiếp cận và phân tích toàn bộ dữ liệu trong thời gian ngắn.
PV: Về vai trò của các đơn vị phát hành, theo ông, các đơn vị phân phối có thể làm gì để nâng cao niềm tin của NĐT đối với TPDN nói chung và TPDNRL nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Để củng cố niềm tin của NĐT, các đơn vị phân phối giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng TPDN cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, tối ưu hóa công nghệ và tăng cường kết nối với NĐT.
Trước hết, minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các đơn vị phân phối cần tiến hành kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng hồ sơ phát hành để đảm bảo mọi dữ liệu tài chính và pháp lý được công bố đầy đủ, chính xác và trung thực.
Song song đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị phân phối. Việc tích hợp AI, Big Data và các hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến giúp theo dõi, phân tích dữ liệu giao dịch, đồng thời phản ứng kịp thời trước những biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, thông tin đến NĐT và trái chủ cần được cập nhật thường xuyên để họ có thể nắm bắt kịp thời những diễn biến quan trọng. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dữ liệu, các đơn vị phân phối cần chủ động tăng cường giao tiếp và tư vấn cho NĐT. Việc tổ chức các hội thảo chuyên đề, các buổi gặp gỡ trực tiếp nhằm giải thích chi tiết về đặc điểm của trái phiếu, các biện pháp bảo vệ quyền lợi và xu hướng thị trường sẽ giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn. Đặc biệt, các chương trình roadshow tạo cơ hội cho NĐT và trái chủ gặp gỡ trực tiếp tổ chức phát hành, tận mắt chứng kiến hoạt động kinh doanh thực tế.
Cuối cùng là đảm bảo quy trình giao dịch an toàn và hiệu quả. Các đơn vị phân phối cần hỗ trợ giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, đảm bảo thời gian thanh toán chính xác và kịp thời. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của tổ chức phát hành mà còn giúp tạo dựng một môi trường giao dịch minh bạch, an toàn, qua đó củng cố niềm tin của NĐT và thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường TPDN.
PV: Xin cảm ơn ông!