kiểm tra hành lý qua máy soi
Hải quan Tân Sơn Nhất kiểm tra hành lý qua máy soi. Ảnh: TL.

"Muôn hình vạn trạng" thủ đoạn, hành vi vi phạm

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh nhận định một số phương thức thủ đoạn chính của các đối tượng đã thực hiện trong thời gian qua. Trước hết là lợi dụng khả năng xử lý, phân luồng 24/24 của hệ thống tự động để thực hiện thông quan hàng hóa vào thời gian nhạy cảm (ngày lễ, tết) nhằm trốn tránh sự giám sát, kiểm soát hải quan.

Điểm đặc biệt của địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất là có nhiều cửa, cổng ra vào, nhiều kho hàng nằm riêng biệt, lượng người đến và đi rất lớn… Do đó, các đối tượng tìm đủ các phương thức thủ đoạn từ cất giấu, ngụy trang cho đến công khai để đưa hàng lậu vào Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng các công ty chuyển phát nhanh như EMS, Fedex, UBS, TNT, DHL có địa điểm riêng biệt, lượng hàng về trong ngày rất lớn, có sự tiếp tay của nhân viên làm việc tại đây, gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát, phát hiện của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, lợi dụng hàng xuất khẩu khi được phân luồng (miễn kiểm tra thực tế) có thể trà trộn, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa khai báo, sử dụng địa chỉ giả gửi hàng thông qua các dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan.

Một số đối tượng thành lập các công ty thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu, khi hàng hóa về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì thuê các công ty dịch vụ giao nhận đứng ra làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ trốn, trong khi các đối tượng đứng tên giám đốc thuê, các đối tượng giao nhận hoàn toàn không biết mặt hoặc không có thông tin về đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma tuý lại thường khai thác hình thức gửi qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh, ma tuý được giấu trong hàng hoá là quà biếu, hàng phi mậu dịch… có khoang rỗng như máy móc, loa kéo, đèn led, trong các tấm mút xốp dùng để bao gói thiết bị điện tử, quạt hộp; ngụy trang ma túy trong các chai, hộp mỹ phẩm, dầu gội, bọt cạo râu, xà bông, bánh kẹo, hộp sữa, bột thức ăn, sữa Milo, găng tay cao su y tế...

Ngoài ra, chúng có thể cất giấu ma túy như ép ma túy vào thành bìa carton, bìa sách truyện tranh, khung hình, thành vali, vali hai đáy, trong các sản phẩm như kem đánh răng, nuốt trong người... và thuê người có quốc tịch thuộc các quốc gia khu vực Đông Nam Á nhằm miễn thị thực nhập cảnh khi vào Việt Nam vận chuyển trong hành lý xách tay.

Hầu hết đối tượng vi phạm thường sử dụng các mạng xã hội để liên lạc với các đơn vị vận chuyển, sử dụng các dịch vụ giao hàng công nghệ như Grab, Be, Gojek…, do đó rất khó truy xét nên chúng không hề sợ hãi mà vẫn tiếp tục thực hiện vận chuyển bằng những thủ đoạn cũ.

Đối tượng và tang vật hơn 2,3kg cocain bị phát hiện bắt giữ.
Đối tượng và tang vật hơn 2,3kg cocain bị phát hiện bắt giữ trong hành lý xách tay qua sân bay Tân Sơn Nhất.

Xử lý hàng trăm vụ vi phạm

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và triển khai, phân công thực hiện cho các thành viên tập trung lực lượng, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm mọi hoạt động buôn lậu của các đối tượng.

Những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 97 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ, xử lý 90 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 820 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 22,9 tỷ đồng, tạm giữ 4,450 gam cần sa và hơn 38,6kg ma túy các loại.

Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan phát hiện 6 vụ, 9 đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó xử lý hình sự 4 vụ, 7 bị can, xử phạt hành chính 70 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh bắt giữ, xử lý 1 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, phạt hành chính 90 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 39 triệu đồng; tịch thu 1.835 kg và 22.097 đơn vị sản phẩm gồm vải, simili, ống nhựa, phụ liệu may mặc, thanh kim loại, miếng lót đế giày, vải may phần thân giày...

Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các tuyến đường bay của các cảng hàng không ở Việt Nam được tái đầu tư mở cửa khai thác. Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết là phải đơn giản hóa các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để kích thích và phục hồi nền kinh tế của cả nước.

Bối cảnh đó dự báo sẽ mang lại nguy cơ tình hình mua bán, buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa có giá trị cao đặc biệt là ma túy, tiền chất qua đường hàng không, chuyển phát nhanh có xu hướng gia tăng mạnh cả về tính chất và mức độ vào cuối năm. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng phải tập trung hơn nữa, tăng cường nguồn lực để đấu tranh, phòng, chống hiệu quả.

Mặt hàng buôn lậu tập trung nhóm hàng tiêu dùng, rượu, thuốc lá...

Mặt hàng trọng điểm, gồm: Nhóm mặt hàng tiêu dùng: lương thực, thực phẩm, sữa, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, dược phẩm.... Nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, độ rủi ro cao và có trị giá cao như: Mỹ phẩm, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, điện thoại smartphone…

Các mặt hàng có thuế tự vệ, máy móc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc điều trị Covid-19, sản phẩm điện tử và các loại hàng hóa có giá trị cao khác xuất khẩu, nhập khẩu từ các tuyến trọng điểm đã được cảnh báo, thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Động, thực vật hoang dã quý hiếm và sản phẩm từ động, thực vật hoang dã quý hiếm. Hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu thuộc danh mục hàng quản lý chuyên ngành.