Kinh tế tăng trưởng khá

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 8 tháng năm 2022, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động, hoạt động xuất khẩu cũng diễn biến tích cực... Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trong điều kiện có những yếu tố phát sinh bất lợi như dịch sốt xuất huyết, biến chủng mới của Covid-19, nguy cơ xuất hiện dịch đậu mùa khỉ…

Thu ngân sách 8 tháng năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 21%, chủ yếu do nguồn thu từ đất và dầu thô. Ảnh: Đỗ Doãn
Thu ngân sách 8 tháng năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 21%, chủ yếu do nguồn thu từ đất và dầu thô. Ảnh: Đỗ Doãn

Cụ thể hơn về những nét tăng trưởng tích cực trong kỳ, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% (so với cùng kỳ năm 2021). Hoạt động xuất khẩu cũng tăng trưởng khá, với kim ngạch đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02%. Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng hơn 24%, đạt 2,7 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Theo thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện được 311.921 tỷ đồng, đạt 80,7% dự toán năm và tăng 21,34% so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản thu bao gồm: thu nội địa ước thực hiện 202.522 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, chiếm 64,9% tổng thu cân đối và tăng 20,9% so với cùng kỳ; thu dầu thô ước thực hiện 19.389 tỷ đồng, vượt 84,7% dự toán, chiếm 6,2% tổng thu cân đối và tăng 110,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 90.000 tỷ đồng, đạt 77,3% dự toán, chiếm 28,9% tổng thu cân đối và tăng 12%.

Cần tháo gỡ "điểm nghẽn’’

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, dù số thu ngân sách nhà nước đạt 80,7% dự toán năm, nhưng nguồn thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cũng rất thấp, 8 tháng mới được hơn 9.000 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng được giao trong năm, tương đương tỷ lệ 23,8%.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh tháng 8 và 8 tháng năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận tiếp tục có đà phục hồi tốt ở hầu hết các mặt hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu quốc tế, thu ngân sách, kiểm soát dịch bệnh..., nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn”. Đó là, đà sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; giải ngân vốn đầu tư công thấp mặc dù có chuyển biến. Hoạt động hỗ trợ DN chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Hoạt động của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xu hướng giảm. Công tác phối hợp giữa các sở - ngành, quận - huyện còn nhiều vướng mắc… Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc TP. Hồ Chí Minh cần tập trung tháo gỡ những tồn tại này.

"Dù số thu ngân sách nhà nước đạt 80,7% dự toán năm, nhưng nguồn thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cũng rất thấp, 8 tháng mới được hơn 9.000 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng được giao trong năm, tương đương tỷ lệ 23,8%." - Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh.

Theo chỉ đạo của ông Phan Văn Mãi, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn bên cạnh việc tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống dịch, tập trung cho công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tập trung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch…, cũng cần phải rà soát lại các công việc được UBND thành phố giao để phân công triển khai trong tháng 9/2022. Đồng thời cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, hoàn thiện quy hoạch chung TP. Thủ Đức để trình Bộ Xây dựng, triển khai đấu thầu công tác lập quy hoạch chung, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… để kinh tế TP. Hồ Chí Minh có thể phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn mức hiện tại.

Triển khai quyết liệt các chương trình phục hồi kinh tế

Tháng 9/2022, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như: tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày” các tháng còn lại trong năm 2022; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghiêm, hiệu quả chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; xây dựng lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo đồng bộ từ khâu thu gom vận chuyển đến xử lý để hướng đến việc triển khai trên toàn địa bàn...