Bộ trưởng

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu trong phiên họp ngày 15/8 của UBTVQH. Ảnh: TTX

Hải quan được phép trang bị vũ khí

UBTVQH (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) sáng nay (15/8) đã họp bàn, lấy ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về dự án luật.

Về tổng thể, các thành viên Ủy ban Pháp luật và các đại biểu hoàn toàn tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật Hải quan và đánh giá cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị khá tốt cho dự án với nhiều chuyên đề được nghiên cứu công phu, hồ sơ dự án đầy đủ, toàn diện những vấn đề có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật trong cần nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển thương mại, chống buôn lậu, xây dựng hình ảnh hải quan thân thiện với doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Hải quan cần theo sát các diễn biến đàm phán gia nhập TPP để có các quy định phù hợp, kịp thời.

Một số đại biểu nêu ý kiến đề nghị làm rõ thêm những nội dung trong hoạt động hải quan như việc truy đuổi hàng lậu của hải quan, việc trang bị vũ khí, phương tiện hỗ trợ cho cán bộ hải quan. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc trang bị súng, còi ủ, đèn hiệu, pháo hiệu cho cán bộ. Một số ý kiến góp ý cần quy định rõ vũ khí được trang bị cho đối tượng nào, được sử dụng trong hoàn cảnh nào.

Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, đề nghị mở rộng quyền tiếp tục truy đuổi của cơ quan hải quan, để tạo điều kiện cho cơ quan hải quan ngăn chặn xử lý những hoạt động buôn lậu vượt ra ngoài địa bàn. Đây là việc làm cần thiết nhưng phải có những quy định rõ để tránh tình trạng chồng chéo, chẳng hạn như quy định rõ ai là người chủ trì, ai là người phối hợp trong từng trường hợp.

Dự án Luật đã tính đến các đàm phán quốc tế

Trả lời những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình soạn thảo luật Hải quan đã tính đến cả lộ trình, phương án đàm phán TPP, đàm phán Việt Nam – Nhât Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, với các nội dung cụ thể và đã được nêu trong dự án luật.

Cụ thể như xác định trước về mã hàng hóa, tự xác nhận về C/O, nguồn gốc xuất xứ, hải quan điện tử, chứng từ hải quan, các thỏa thuận ưu tiên công nhận lẫn nhau, chính sách một cửa quốc gia. Đây là những nội dung căn bản có liên quan đến quá trình đàm phán TPP cũng như đàm phán Việt Nam – Hàn Quốc – EU và đã được thể hiện trong Luật Hải quan sửa đổi.

Đối với ý kiến về việc quản lý rủi ro của hoạt động hải quan, đề nghị tăng cường, đa dạng hóa kiểm tra mẫu hàng hóa, Bộ trưởng cho biết vấn đề này trong luật đã thiết kế, kiểm tra mẫu đến 5% (quy định của quốc tế là 3%).

Về vũ khí quân dụng, Bộ trưởng nêu rõ trong Pháp lệnh số 16/2011 của Quốc hội khóa 12 ngày 30/6/2011, tại điều 13 đã quy định rõ những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: quân đội nhân dân; công an nhân dân; dân quân tự vệ; kiểm lâm; lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu; an ninh hàng không. Việc quy định chi tiết về trang bị cho các lực lượng này cũng được quy định trong luật. Việc sử dụng phương tiện trang bị như còi ủ, đèn báo hiệu… sẽ được nghiên cứu để làm rõ hơn. Đối tượng được trang bị vũ khí chỉ là lực lượng chống buôn lậu và hải quan cửa khẩu chứ không phải tất cả các cán bộ, công chức hải quan.

Phát biểu kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết UBTVQH và Ban thẩm tra đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về dự án luật sửa đổi. Thường trực UBTVQH đồng ý rằng dự án luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Hoàng Yến