Trong hai ngày 28 và 29/4/2020, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại tổ chức điện đàm với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor. Ảnh: Đức Minh
Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) xung quanh nội dung này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại triển khai mô hình hội đàm quốc tế thông qua hình thức điện đàm, họp trực tuyến thời gian qua?
Ông Trương Hùng Long: Luật Quản lý nợ công năm 2017 đặt ra nhiều cải cách quan trọng, thay đổi căn bản cách thức quản lý nợ công theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý.
|
Song song với việc triển khai về mặt kỹ thuật thì Cục QLN&TCĐN đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) xây dựng ma trận tổng thể trong cải cách quản lý nợ công, trong đó có việc ứng dụng CNTT vào quản lý nợ công.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã báo cáo Bộ Tài chính trong việc xây dựng phòng họp trực tuyến đủ tiêu chuẩn để đàm phán quốc tế trực tiếp. Bên cạnh đó, để đảm bảo thông suốt trong công tác đàm phán với đối tác nước ngoài, giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã chủ động đẩy mạnh các ứng dụng CNTT vào họp trực tuyến với bên cho vay nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế, chương trình về điều khoản 4,... bằng hình thức điện đàm (teleconference), đàm phán trực tuyến bằng hình thức video conference (WebX) theo cách phân chia ra các đầu việc, các tài khoản (account) để các bộ phận, các phòng thực hiện đàm phán trực tuyến với các tổ chức quốc tế,...
PV: Để tổ chức thành công được một cuộc điện đàm, đàm phán trực tuyến như vậy thì đòi hỏi cần có những điều kiện gì, thưa ông?
Ông Trương Hùng Long: Kinh nghiệm việc họp trực tuyến trong thời gian qua cho thấy, có 2 vấn đề mà chúng ta sẽ phải quan tâm. Thứ nhất đó là hạ tầng CNTT; tiếp đến là chuẩn bị kỹ và đầy đủ toàn diện về mặt nội dung.
Về mặt điều kiện cần là mặt cơ sở vật chất, tôi nghĩ rằng, bộ máy hành chính nói chung và đặc biệt là Bộ Tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Chính phủ, thứ đến là Cục QLN&TCĐN hoạt động tương đối tiếp cận với thông lệ quốc tế, làm việc với nhiều đối tác có hạ tầng CNTT. Chính vì vậy, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian khi chuẩn bị (setup) về mặt hạ tầng CNTT (kết nối đường truyền âm thanh, hình ảnh) cho cuộc họp trực tuyến song phương, đa phương.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tổ chức hơn 15 cuộc họp trực tuyến bằng hình thức điện đàm, Video conference (WebX)., với các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, IMF, WB,...), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Fitch, S&P, Mood'y). Tiêu biểu như cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Masatsugu Asakawa vào ngày 20/3. Tham gia có lãnh đạo Cục QLN&TCĐN cùng lãnh đạo và chuyên viên các phòng Đa phương, Kế hoạch và quản lý rủi ro; lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài chính: Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Hợp tác quốc tế.
Liên quan tới khâu chuẩn bị về mặt nội dung và phối hợp giữa các cơ quan với nhau nếu cuộc đàm phán đó liên quan tới nhiều bộ, ngành thì khâu này phải được chuẩn bị kỹ hơn và phải lường trước được các tình huống khi thực hiện đàm phán, trao đổi.
Trước khi họp, đàm phán, các bên phải chuẩn bị đầy đủ nội dung, hồ sơ, tài liệu, các câu hỏi chuẩn bị, các vấn đề đang vướng mắc cần phải đàm phán, trao đổi,... và người dự họp phải những người trực tiếp làm, nắm được nội dung cuộc họp, phải có tính sẵn sàng trong việc trả lời những nội dung, thông tin mà phía đối tác yêu cầu.
PV: Ông có thể chia sẻ về hiệu quả đạt được khi triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài thông qua hình thức điện đàm, hội nghị trực tuyến bằng video call?
Ông Trương Hùng Long: Mục tiêu đặt ra là đàm phán trực tuyến hay đàm phán trực tiếp thì cũng phải đạt được kết quả. Tức là các yêu cầu, mục tiêu về quản lý, các quy định pháp luật của Việt Nam, cũng như lợi ích mà Việt Nam phải đạt được thì đó là mục tiêu cao nhất dù cho đàm phán bằng hình thức nào.
Tôi cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong các khâu khác nhau quản lý nợ công gắn liền với thực tế yêu cầu quản lý, giảm bớt chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực trong đàm phán quốc tế, bởi vì bất kể lúc nào, thời gian nào chúng ta muốn có cuộc trao đổi trực tiếp với phía nước ngoài thì chúng ta có thể thực hiện ngay. Trước đây chúng ta phải nhiều thời gian chờ đợi, lập đoàn đàm phán, chuẩn bị các cuộc họp để tiếp và làm việc với các đoàn nước ngoài vào, hoặc ra nước ngoài để đàm phán.
Hiệu quả đạt được có thể kể đến là tiết kiệm về thời gian, chi phí cũng như là hiệu quả mang lại trực tiếp của các cuộc đàm phán. Chúng ta biết rằng, việc đàm phán trực tuyến sẽ không mất thời gian đi lại, khoảng cách địa lý, không mất thời gian sắp xếp lịch trình cả buổi, cả ngày cho một việc.
Thông qua hình thức này, chúng ta có thể đàm phán bất kỳ lúc nào, có thể đàm phán ở diện rộng, diện hẹp, thậm chí là "1 với 1", tức là một người với một người, một cơ quan với một cơ quan, hoặc có thể một nhóm các cơ quan với một đối tác. Chúng ta có thể đàm phán, bàn bạc bất kỳ một nội dung nào khi chúng ta thấy vướng.
Hiệu quả đạt được tiếp theo đó là tính phù hợp, sát với thực tế. Bởi khi chúng ta đàm phán càng nhanh, càng linh hoạt bao nhiêu thì thông tin cập nhật càng nhiều bấy nhiêu, các quyết định được đưa ra trên nền thông tin hiện hữu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Khánh Huyền (thực hiện)