Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu theo dự toán

Trong hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, để quản lý chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, kiểm soát chi chặt chẽ theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách ở đơn vị, ngân sách cấp dưới; quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng dự toán được giao; giải ngân vốn trong phạm vi kế hoạch, vay nợ trong hạn mức được giao; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, trường hợp ứng trước phải đúng quy định của Luật NSNN.

Đối với các khoản chi thường xuyên, đơn vị ngân sách thực hiện tiết kiệm triệt để, đặc biệt là chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Tài chính yêu cầu không bố trí dự toán chi các chính sách chưa có chủ trương ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Nguồn: Bộ Tài chính    	    								    Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Hàng năm, Chính phủ ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các chỉ tiêu cụ thể, trong đó có lĩnh vực NSNN. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình cụ thể để thực hiện, có tổng kết, đánh giá vào cuối năm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã tiến hành chương trình giám sát tối cao liên quan đến vấn đề này. Cuối kỳ họp, Quốc hội đã ban hành nghị quyết và quy định từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Căn cơ hơn nữa chi tiêu công

Việc quản chặt chi tiêu công luôn nhận được sự đồng tình của dư luận, nhất là trong bối cảnh mấy năm gần đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội. “Thu thì khó mà chi thật nhiều”, ngân sách luôn phải căng mình chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chi phòng chống dịch trong khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Hiến kế về chi tiêu công, nhiều chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, muốn cơ cấu lại một bước chi NSNN, cần phải thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; đồng thời, đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên

Nhiều địa phương đã lên kế hoạch triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công. Cụ thể, như Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ một số khoản) để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương; tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022 từ khâu xây dựng dự toán; sử dụng 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2022 đề tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định…

Người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhiều lần khẳng định, trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thu thuộc Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN và triệt để tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn cho đầu tư phát triển, cho an sinh xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thời gian qua, Bộ Tài chính đã điều hành rất tốt chính sách tài chính - NSNN, trong đó có chi tiêu công. Chi thường xuyên đã giảm mạnh trong thời gian qua cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tình trạng chi tiêu không đúng tiêu chuẩn, định mức, gây lãng phí, thất thoát NSNN. Về lâu dài, cần tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu công, tiết kiệm hơn nữa trong chi thường xuyên.

“Vừa qua, chúng ta đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhưng cần thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương; từ đó, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay” - ông Trần Hoàng Ngân cho hay.

Siết giảm chi, tạo nguồn cho các nhiệm vụ cấp bách

Giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đề ra mục tiêu giảm chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện, đòi hỏi phải giảm dần qua từng năm.

Có ý kiến cho rằng, tiết kiệm khi đã đến ngưỡng thì không thể tiết kiệm được hơn. Tuy nhiên, qua thống kê gần đây cho thấy vẫn có thể tiết kiệm được nếu có quyết tâm. Nhiều địa phương đã cắt giảm dự toán chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển với tỷ trọng khá cao, như: Bà Rịa - Vũng Tàu tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng dự toán chi NSNN năm 2021 là 50,5%; Hà Nội là 47,2% (cả giai đoạn 2016-2021 số tuyệt đối dự toán và thực hiện chi đầu tư phát triển cơ bản đứng đầu cả nước); Phú Yên là 43,9%; Quảng Ninh là 42,3%; Hải Phòng là 42%; Vĩnh Phúc là 34,8%.

Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện chủ trương tiết kiệm kinh phí NSNN, cắt giảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết (như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; mua sắm xe ô tô công...) để tạo nguồn tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Qua thống kê cho thấy, tiết kiệm chi thường xuyên giai đoạn này được hơn 64 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng số kinh phí tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo là 709,2 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, kỷ niệm là 717,5 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại là 7.470,6 tỷ đồng.

Hàng năm và cả giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có các chỉ tiêu về tiết kiệm chi thường xuyên. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng có những chỉ đạo, điều hành cụ thể cho từng năm. Có những thời điểm khó khăn như những năm vừa qua, ngoài tiết kiệm theo quy định, ngành Tài chính yêu cầu các cấp ngân sách phải tiết kiệm thêm trong những tháng còn lại của năm, từ 50 - 70% các khoản chi hội họp, công tác phí. Nhờ đó, đã có nguồn để chi cho các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh.

Theo Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ yêu cầu cơ cấu lại NSNN theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý thu, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, đảm bảo tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn trong quản lý ngân sách, như: rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi NSNN, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi… Đây là các biện pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách.