TS. Cấn Văn Lực cho biết, ngành Thuế liên quan đến 907 nghìn doanh nghiệp và khoảng 28 triệu người dân.

Trong khi đó, lĩnh vực hải quan liên quan đến khoảng 80 nghìn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Vừa rồi đã có 64,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký vào hệ thống dịch vụ công một cửa liên quan đến xuất nhập khẩu.

Với sự ảnh hưởng này, chuyển đổi số sẽ có sự lan tỏa rất lớn và người dân sẽ được thụ hưởng từ việc này.

“Tôi mong muốn chuyển đổi số tốt hơn nữa để người dân được hưởng lợi. Vừa rồi chúng ta đã làm rất tốt khâu kế hoạch chiến lược. Cụ thể, lĩnh vực tài chính là 1 trong 8 lĩnh vực đầu tiên ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã có chiến lược phát triển ngành Tài chính quốc gia, trong đó tôi thấy những trụ cột chuyển đổi số là rất quan trọng” - ông Lực nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực: Chuyển đổi số ngành Thuế, Hải quan đã tạo ấn tượng tốt với người dân, doanh nghiệp
TS. Cấn Văn Lực trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Việt

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan cũng đã được ban hành cụ thể và điều này thể hiện các ngành Thuế và Hải quan đã có những chiến lược bài bản.

Trong đó, những chỉ tiêu rất quan trọng về chuyển đổi số cũng được vạch ra, chẳng hạn 85% cá nhân sẽ khai và nộp thuế điện tử, đây là các con số tích cực.

Với những yếu tố trên, tựu chung lại, chuyển đổi số các lĩnh vực thuế, hải quan đã để lại nhiều ấn tượng.

Thứ nhất là về hóa đơn điện tử, đã triển khai hơn 1 năm và đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, đây là thành công rất lớn của ngành Thuế.

Trong khi đó, ấn tượng của ngành Hải quan đã số hóa hải quan đến cấp độ 3 và 4 rồi.

Vấn đề tiếp theo là các cơ quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào, theo đó, một số giải pháp quan trọng cần đặt ra.

Giải pháp về dữ liệu

Một vấn đề quan trọng nữa là dữ liệu, đó là hồn cốt của chuyển đổi số. Các doanh nghiệp lớn đều có 1 trung tâm quản lý và phân tích dữ liệu và các cơ quan nhà nước cũng nên làm như vậy.

Giải pháp thứ nhất là phải có chiến lược, trong đó một vấn đề quan trọng là văn hóa chuyển đổi số.

Thứ hai là quy trình, các ngành Thuế và Hải quan làm tương đối tốt, nhưng cũng cần tự động hóa thêm hơn nữa. Tất nhiên vẫn phải giảm thiểu rủi ro sai sót và tác nghiệp.

Giải pháp tiếp theo là về công nghệ. Trong đó có yếu tố chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng, do đây là vấn đề rất quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn.

Vấn đề cần quan tâm nữa là khách hàng, làm sao để việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan dễ dàng, tiện lợi./.