USD

Điều hành tỷ giá gặp nhiều thuận lợi

Theo đánh giá của CIEM tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV năm2017, trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ giá VNĐ/USD nhìn chung ổn định. Xung quanh những thời điểm Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã linh hoạt điều tiết cung cầu ngoại tệ trên thị trường, kết hợp với thông tin về định hướng điều hành. Đặc biệt, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm có xu hướng tăng nhẹ, nhằm làm tăng độ linh hoạt của các ngân hàng thương mại trước những bất định (nếu có) của thị trường thế giới. Khác với các năm trước, thị trường không còn những biến động tâm lý nhất thời.

Riêng trong quý IV, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm đạt mức trung bình 22.451, tăng khoảng 1,71% so với cùng kỳ năm 2016. Khác với xu hướng tăng cho đến tháng 9, tỷ giá trung tâm có xu hướng giảm trong quý IV. Trong khi đó, tỷ giá VNĐ/USD ở cả ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do nhìn chung ổn định trong nửa cuối năm 2017. Tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do chỉ vượt tỷ giá của ngân hàng thương mại tại một số thời điểm, song nhanh chóng ổn định trở lại.

Công tác điều hành tỷ giá trong quý IV đã gặp một số thuận lợi đáng kể, báo cáo của CIEM nhận định. Một mặt, cán cân thương mại đã đảo chiều từ tháng 8, qua đó giảm áp lực về cầu đối với ngoại tệ. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh Việt Nam tiến hành thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước lớn, đưa các doanh nghiệp nhà nước chất lượng lên sàn. Bản thân dòng kiều hối cũng tăng mạnh và hầu như ít chịu ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất.

Nhờ đó, dự trữ ngoại hối tăng liên tục và đạt gần 52 tỷ USD vào cuối năm 2017. Tính chung cả năm, NHNN mua ròng khoảng hơn 13 tỷ USD. Trong khi đó, các đối tác chủ chốt không có động thái can thiệp mạnh vào tỷ giá của các đồng tiền trên thị trường tài chính thế giới, qua đó tạo thuận lợi cho duy trì đà ổn định tỷ giá.

Tránh đề ra mục tiêu "cứng" trong điều hành tỷ giá

Dự báo về tỷ giá năm 2018, báo cáo về áp lực tỷ giá do CIEM xây dựng thể hiện không có biến động mạnh (trên 3%) tại thời điểm gần nhất. Điều này cho thấy tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ ổn định trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, với xác suất là 95,5%. Theo đó, nếu tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát trong nước, diễn biến REER (tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh theo lạm phát) vẫn có lợi đối với xuất khẩu Việt Nam.

Trong những kiến nghị về điều hành chính sách cho năm 2018, đối với lĩnh vực tiền tệ, CIEM nhấn mạnh việc theo dõi chặt chẽ diễn biến tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng như qua cán cân thanh toán để có những điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá, truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn. Trong điều hành chính sách, CIEM cho rằng cần tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá. Theo dõi và hạn chế việc găm giữ ngoại tệ ở các tổ chức, ngân hàng thương mại.

Hồ Thị Hiền