Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), Bộ Ngoại giao vừa tổ chức tọa đàm “Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.

Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BNG

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, đặt ra những nhiệm vụ to lớn cho ngành Ngoại giao. Vì thế, việc không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Chỉ như vậy đối ngoại Việt Nam mới có thể vươn lên ngang tầm với thời đại, mới có đủ khả năng để xử lý kịp thời và thỏa đáng, có lợi nhất cho đất nước tất cả những vấn đề nảy sinh.

Tọa đàm là một hoạt động quan trọng trong chuỗi sinh hoạt chính trị của Bộ Ngoại giao nhằm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn triển khai công tác đối ngoại.

Đánh giá về nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh 4 đặc thù của ngoại giao Hồ Chí Minh đó là: kiên định trong mục tiêu, hòa hiếu trong bản chất; linh hoạt trong hành động; nhân văn trong cốt cách và ứng xử. Đồng thời, 4 lĩnh vực cần nghiên cứu, vận dụng trong nghiệp vụ ngoại giao là: công tác nghiên cứu dự báo; xử lý khủng hoảng ngoại giao; giao tiếp ngoại giao và học tập suốt đời.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vào thực tiễn đối ngoại, trước hết là nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược để giữ được thế chủ động trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn rất phức tạp.

Để đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay, cán bộ ngoại giao cần quán triệt sâu sắc phương châm chỉ đạo của Người là “phải nhìn cho rộng suy cho kỹ”, “biết mình biết người, biết thời biết thế” để “biết tiến, biết thoái, biết dừng, biết biến” vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Điều này cần được vận dụng trong xử lý quan hệ với từng đối tác, từng diễn đàn quốc tế, bối cảnh cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, càng phải bình tĩnh, bản lĩnh trên cơ sở kiên định độc lập tự chủ, đồng thời phải khôn khéo, tinh tế và sáng tạo trong xử lý các mối quan hệ./.