Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước tăng dè dặt

Tại thị trường thế giới, thời điểm lúc 3h chiều ngày 14/3, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức giá 1.908 USD/ounce, tăng hơn 30 USD/ounce so với ngày trước đó. Trong vòng 5 ngày qua, kim loại quý này đã tăng gần 100 USD/ounce, lên mức cao nhất trong 5 tuần qua.

Vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn
Vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Còn ở thị trường trong nước, sau phiên tăng mạnh ngày 13/3 đưa vàng miếng SJC vượt qua ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, thị trường vàng ngày 14/3 đã được điều chỉnh nhẹ.

Cụ thể, sáng 14/3 tại TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng với mức giá 66.350.000 đồng/lượng mua vào và 67.050.000 đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với thời điểm chốt phiên giao dịch ngày trước đó. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, Công ty SJC cũng áp dụng mức giá mua vào là 66.350.000 đồng/lượng, nhưng giá bán ra ở hai thị trường này cao hơn tại TP.HCM 20.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều 14/3, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,15 triệu đồng/lượng mua vào và 66,85 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa chiều 13/3.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng hạ 200.000 đồng/lượng giá mua và bán của vàng miếng SJC, xuống còn 66,15 - 66,9 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua - bán được duy trì ổn định mức 700.000 - 750.000 đồng/lượng cho thấy sức mua trên thị trường khá thấp.

Các loại vàng trang sức 24K cũng chịu áp lực giảm. Hiện giá vàng 9999 được giao dịch quanh 54,25 - 55,15 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá mở cửa sáng ngày 14/3, các doanh nghiệp tăng 350.000 đồng mỗi lượng so với ngày trước đó.

Với mức giá hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 12 triệu đồng/lượng.

Vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn

Thị trường vàng đang trở lại là kênh trú ẩn an toàn, thu hút nhà đầu tư trong thời gian gần đây, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Theo các nhà phân tích, có hai động lực chính đang hỗ trợ giá vàng tăng cao hơn. Một là nguy cơ lây lan từ vụ sụp đổ của SVB (Silicon Valley Bank) và SB (Signature Bank), hai là câu hỏi liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ như họ đã dự kiến hay không. Các nhà phân tích đang đánh giá lại kỳ vọng tăng lãi suất trước cuộc họp của FED vào ngày 22/3.

Theo nhận định của ông Phillip Streible - Chiến lược gia của Blue Line Futures: “FED đã tăng lãi suất quá nhanh, đến mức chúng tôi cho rằng mọi thứ đang bắt đầu rạn nứt. Giờ đây, họ phải suy nghĩ lại về lập trường của mình”.

Những mối lo ngại trên thị trường hiện nay cũng khiến giới đầu tư liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, vàng đã tăng giá vào giữa năm và sau đó thị trường bị ảnh hưởng bởi một đợt điều chỉnh lớn. Sau khi FED bắt đầu giảm lãi suất, thị trường vàng tiếp tục tăng giá và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2009.

Tuy nhiên, không phải các ý kiến không hoàn toàn lạc quan về vàng. Một số chuyên gia cho rằng, động thái tăng giá hiện tại của kim loại quý này chỉ là ngắn hạn và đà tăng của nó sẽ mất đi khi nhu cầu trú ẩn an toàn ngưng lại. Bên cạnh đó, khả năng FED tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản đã giảm nhưng vẫn còn cao. Nếu các báo cáo được công bố trong tuần này cho thấy lạm phát vẫn tăng cao, sẽ tạo ra rủi ro cho kim loại quý.

“Đồng USD đang bị bán mạnh và điều này củng cố vị thế vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Nhưng một khi chúng ta vượt qua câu chuyện này, thì có dẫn đến lạm phát cao hơn không? Câu trả lời là có. FED vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất, và điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vàng” - Phó Chủ tịch Sean Lusk của Walsh Trading nhận định và cảnh báo rằng, sự sụp đổ của SVB có thể giúp vàng tăng giá trong ngắn hạn, nhưng có thể lại là một động lực tiêu cực trong dài hạn.

Tổng thống Mỹ khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ an toàn

Ngay sau khi xảy ra sự việc của các ngân hàng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu để trấn an thị trường. Một mặt ông yêu cầu Quốc hội Mỹ củng cố quy định về ngân hàng, mặt khác ông Biden khẳng định, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn “an toàn”. Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ vẫn ở đó khi họ cần.

Giới chức Mỹ hiện đã công bố hàng loạt biện pháp để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Theo đó, toàn bộ tiền gửi tại SVB và Signature Bank sẽ được bảo đảm, kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của Cơ quan tiền gửi Liên bang - FDIC (lớn hơn 250.000 USD).