Vay để trả nợ cũ, tạo cạnh tranh nhưng không dễ “đảo nợ” ồ ạt
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Hồng Vân

“Kích hoạt” cạnh tranh đầu ra

Vừa qua, một ngân hàng lớn trong nhóm Big 4 thông báo chính thức triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, với lãi suất chỉ từ 6%/năm cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Ngân hàng này cho biết, khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác, nếu có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay, có thể đến ngân hàng này để vay vốn nhanh chóng với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Những thông tin ưu đãi tương tự như trên cũng đã xuất hiện tại một số ngân hàng khác kể từ khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023. Đây là một tín hiệu cho thấy một cuộc cạnh tranh lãi suất đầu ra có thể đang được “kích hoạt” và các ngân hàng sẽ phải tìm cách hạ thấp lãi suất nếu không muốn khách hàng của mình sẽ bị “hút” sang các ngân hàng khác.

Trước đây theo quy định cũ (tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN), khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Với quy định mới tại Thông tư 06, việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ cả hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng. NHNN cũng không giấu mục đích tạo ra sân chơi có tính cạnh tranh hơn. Bởi theo nội dung giải thích các quy định mới của Thông tư 06, cơ quan này cho rằng, việc này sẽ giúp cho khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).

Vay để trả nợ cũ, tạo cạnh tranh nhưng không dễ “đảo nợ” ồ ạt

Theo khảo sát, hiện tại khách hàng vay khoản mới để trả khoản cũ thì cũng vẫn phải dùng tài sản thế chấp mới để làm thủ tục vay. Theo đó, ý nghĩa về việc khách hàng có chuyển khoản vay cũng không nhiều, vì như vậy, thật ra cũng không khác mấy so với vay một khoản mới hoàn toàn.

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Thực tế cho thấy, các khoản vay phục vụ đời sống có thể có thời hạn rất dài, chẳng hạn như thời hạn cho một khoản vay mua nhà có thể kéo dài từ 10 - 30 năm. Theo đó, khách hàng vay khi đã ký hợp đồng vay vốn có thể sẽ phải ràng buộc vào hợp đồng trong suốt thời hạn của khoản vay. Tuy nhiên, với các quy định mới tại Thông tư 06, khách hàng có cơ hội để “thoát” khỏi ràng buộc bởi hợp đồng vay cũ tại ngân hàng cũ nếu thương lượng được với ngân hàng mới với các điều khoản mới và lãi suất mới có lợi hơn cho mình. NHNN cho biết, quy định tại Thông tư 06 sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Không dễ “đảo nợ” ồ ạt

Các chuyên gia cho rằng, việc cho phép khách hàng vay khoản mới trả khoản cũ là yếu tố tạo ra cạnh tranh giữa các ngân hàng, đặc biệt là cuộc cạnh tranh lãi suất và có thể giúp lãi suất cho vay đầu ra giảm thấp hơn.

Theo chuyên gia Tài chính - Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cho vay bất cứ khách hàng nào, với mục đích gì, thì cũng đều phụ thuộc vào chính “khẩu vị” rủi ro của họ. Trong đó, lãi suất chính là hàm số của rủi ro. Theo đó, khách hàng nếu vay được khoản mới với lãi suất thấp hơn để trả khoản cũ với lãi suất cao hơn thì vẫn có lợi hơn.

Mặc dù vậy, đó mới chỉ là lý thuyết. Còn trong thực tế, việc “đảo nợ” có dễ thực hiện hay không, hoặc nếu thực hiện được thì có thực sự có đủ đem lại lợi ích cho người đi vay hay không thì sẽ là một câu chuyện khác.

Hiện nay trong các hợp đồng vay vốn có kỳ hạn dài, các ngân hàng đều có quy định các khoản phí phạt trả nợ trước hạn. Thông thường, phí phạt sẽ khá cao trong các năm đầu và giảm dần trong các năm tiếp theo. Do đó, khách hàng nếu vừa vay ngân hàng cũ chưa lâu, nếu hủy hợp đồng vay để chuyển sang ngân hàng mới thì sẽ còn phải cân nhắc là lãi suất mới dù có thấp hơn, nhưng có đủ để bù cho chi phí hủy hợp đồng trước hạn hay không.

Ngoài ra, theo khảo sát thực tế của phóng viên TBTCVN tại một ngân hàng, cán bộ tín dụng cho biết, thủ tục trả nợ trước hạn khá đơn giản, chỉ cần ký giấy yêu cầu trả nợ trước hạn và đổ đủ tiền vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng đó là được. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải chờ… vài hôm mới lấy lại được tài sản thế chấp.

Câu chuyện thực tế là khách hàng phải giải bài toán: Trong khi chờ ngân hàng cũ trả lại tài sản thế chấp thì sẽ phải có một khoản tiền từ đâu đó để nộp sang ngân hàng cũ để cho họ trả lại tài sản thế chấp mới có tài sản thế chấp sang ngân hàng mới để được giải ngân cho khoản vay mới./.