VN30-Index vượt đỉnh
Phiên tăng 6,8 điểm hôm nay vẫn chưa đủ giúp VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm. Chỉ số này chịu tác động khá lớn từ SAB giảm 2,2%, GAS giảm 0,54%, VCB giảm 0,67%. Tuy nhiên VN30-Index lại xuất sắc tăng 1,13% lên 1.182,2 điểm. Mức đóng cửa kỷ lục của chỉ số này là 1.177,68 điểm hôm 9/4/2018. Như vậy tính về giá đóng cửa, VN30-Index hôm nay đã lâp kỷ lục mới.
Nguyên nhân là hai chỉ số này có khác biệt nhỏ về mức độ ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. SAB và GAS lại là các cổ phiếu không lớn trong VN30-Index. Mức ảnh hưởng của hai mã này còn kém xa TCB, MBB hay FPT, VJC. Do đó việc cả hai mã giảm hôm nay hầu như không ảnh hưởng nhìn thấy được.
Ngược lại, khá nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình đối với VN-Index lại là mã lớn đối với VN30-Index và phiên này tăng cực mạnh. Tiêu biểu là TCB tăng 3,08%, VPB tăng 1,22%, HDB tăng 4,1%, STB tăng 4,98%, SSI tăng 4,53%...
Rổ VN30 cũng có 23 cổ phiếu tăng giá và 6 cổ phiếu giảm giá. Do đó không thể nói rằng nhóm blue-chips yếu phiên này, có chăng là các cổ phiếu lớn nhất yếu. Ngoài GAS, VCB, SAB giảm, VIC tăng không nhiều 0,72%, VNM tăng 0,71%, BID tham chiếu, HPG tăng 0,11%...
Việc VN30-Index vượt đỉnh trước VN-Index cho thấy cơ cấu cổ phiếu blue-chips trung bình đang mạnh hơn nhóm vốn hóa lớn nhất. Chẳng hạn từ đầu năm 2021 đến nay, VNM mới tăng 5,65%, VCB tăng 5,41%, SAB tăng 2,82%, BID tăng 1,98% thì STB tăng 24,9%, TCB tăng 17%, KDH tăng 16%, TCH tăng 32,3%...
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ còn tăng nhiều hơn. Các mã này có tính đầu cơ rất cao và câu chuyện VN-Index vượt đỉnh hay không không quan trọng bằng dòng tiền vẫn vào mạnh. Hôm nay gần 40 mã vẫn kịch trần ở sàn HSX trong đó có những mã đạt kỷ lục lịch sử về thanh khoản như PVT với 3,8% lượng cổ phiếu niêm yết được sang tay hay HQC lại thêm xấp xỉ 4% lượng cổ phiếu lưu hành đổi chủ. VIX, TSC, HAX, DHC, VOS, FTM, TDG... giao dịch hàng triệu cổ phiếu tại giá trần.
Tuy vậy những cổ phiếu quán quân về thanh khoản hôm nay vẫn phải thuộc về nhóm blue-chips và nổi bật dĩ nhiên là ngân hàng. SHB dẫn đầu thị trường với 1.134 tỷ đồng giao dịch, STB thứ hai với 1.097 tỷ đồng.
Trụ sẽ tăng đúng lúc?
Đà đi lên của VN-Index trong 11 tuần gần đây, nhất là từ đầu năm 2021, có một đặc điểm dễ thấy là sự luân phiên của các nhóm cổ phiếu lớn tăng giá. Nhóm ngân hàng là những mã duy nhất có khả năng tăng đồng loạt trong khi các cổ phiếu siêu lớn như VIC, VHM, VNM, GAS, SAB thoái lui. Phiên hôm nay chỉ có VHM là nổi bật trong nhóm trụ với mức tăng 2,01%.
Bản thân VHM tăng tốt hôm nay cũng không thay đổi được nhiều vì cổ phiếu này tạo đỉnh cách đây 3 phiên và mức tăng phiên này chưa đủ bù đắp mức giảm. Các mã như SAB, VNM, VIC, GAS điều chỉnh sau khi đạt đỉnh nhưng hoàn toàn có cơ hội quay đầu tăng kỹ thuật giống VHM. Trong khi đó các cổ phiếu vốn hóa trung bình còn lại tăng đủ để đẩy VN-Index lên cao hơn, chỉ là chưa đủ để chỉ số vượt đỉnh bằng mức tăng khác biệt.
Vì vậy rất có khả năng các cổ phiếu siêu lớn sẽ là nhân tố gây đột biến. VIC, VCB, VNM tăng giá mạnh có thể đem lại rất nhiều điểm cho VN-Index và giúp chỉ số này vượt 1.200 điểm. Đây thuần túy là vấn đề kỹ thuật. Sự xoay vòng đúng lúc giữa các mã lớn có khả năng duy trì đà tăng liên tục ở chỉ số, dù chính các mã này vẫn chưa thể vượt đỉnh của chính mình.
Một điểm cũng khá bất ngờ hôm nay là dòng tiền đang lan tỏa sang sàn HNX ngày càng rõ. Giá trị khớp lệnh sàn này hôm nay tăng hơn 48% so với hôm qua, đạt gần 2.775 tỷ đồng. Cách đây hai ngày, HNX còn khớp lệnh vượt 3.000 tỷ đồng, là mức cao chưa từng thấy. Sự dịch chuyển dòng tiền này có thể là hệ quả của việc nhà đầu tư khó giao dịch trên HSX do hệ thống bị quá tải. Hai tuần đầu năm 2021, thanh khoản trên HNX đã tăng đột biến, đúng vào lúc HSX nâng lô giao dịch nhưng không giải quyết được hiện tượng nghẽn lệnh. Từ đầu năm 2021 đến nay chỉ số HNX-Index đã tăng 11,8% trong khi VN-Index tăng chưa tới 8,2%.
HSX | HNX | ||
Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh | Giá trị Khớp lệnh | Khối lượng Khớp lệnh |
16.318 tỷ đồng (+7%) | 746,2 triệu (+1%) | 2.775 tỷ đồng (+48%) | 174,5 triệu (+40%) |
Khánh Nhi